Liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa

TƯ RUỘNG 12/05/2020 04:37

Trò chuyện với Tư Ruộng, ông Trần Thanh - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tây Gia (xã Đại Minh, Đại Lộc) nói, những năm qua, nhờ liên kết với doanh nghiệp sản xuất mỗi vụ 67ha giống lúa hàng hóa mà thu nhập của 350 hộ dân ở địa phương khá cao, cuộc sống nhiều gia đình cải thiện đáng kể. 

Trong vụ đông xuân 2019 - 2020, thông qua Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Minh, ông liên kết với Tập đoàn ThaiBinh Seed - Chi nhánh miền Trung & Tây Nguyên canh tác 11 sào giống lúa thuần BC15 mới có gen kháng bệnh đạo ôn. Vụ này năng suất bình quân 1 sào đạt ít nhất 400kg lúa khô. Doanh nghiệp mua toàn bộ sản phẩm với mức giá 7.680 đồng/kg khô. Trung bình 1 sào giống lúa BC15 mới có gen kháng bệnh đạo ôn mang lại cho gia đình ông hơn 3 triệu đồng, tăng 600 - 700 nghìn đồng/sào/vụ so với gieo sạ lúa thương phẩm Q5.

Theo ông Ngô Văn Phi - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Minh, đông xuân này đơn vị liên kết với Tập đoàn ThaiBinh Seed - Chi nhánh miền Trung & Tây Nguyên tổ chức cho hơn 700 hộ dân ở 3 thôn gồm Gia Huệ, Phú Phước, Tây Gia sản xuất tổng cộng 165ha giống lúa hàng hóa. Trong đó, có 130ha giống lúa BC15 mới có gen kháng bệnh đạo ôn và 35ha giống lúa thuần TBR1.

“Năng suất lúa bình quân của các mô hình liên kết sản xuất đạt từ 75 – 80 tạ khô/ha. Theo ước tính, vụ này 1ha đất canh tác giống lúa BC15 và TBR1 cho nông dân địa phương mức thu nhập khoảng 57,6 - 61,4 triệu đồng, tăng 12 - 14 triệu đồng/ha/vụ so với một số loại giống lúa thuần khác” - ông Phi chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Sương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật cho biết, đông xuân 2019 - 2020 này, thông qua các hợp tác xã nông nghiệp, nông dân trên địa bàn tỉnh liên kết với nhiều doanh nghiệp có uy tín tổ chức sản xuất không dưới 3.300ha hạt giống lúa thuần và lúa lai các loại trên những mô hình cánh đồng mẫu, cánh đồng kỹ thuật. Trong đó, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành... là những địa phương có diện tích nhiều. Qua khảo sát tại nhiều nơi cho thấy, mô hình liên kết sản xuất lúa giống mang lại cho nhà nông mức thu nhập tăng thêm từ 10 - 25 triệu đồng/ha/vụ so với canh tác lúa thương phẩm.

Tại cuộc làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và các ngành liên quan vừa qua, ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, mô hình liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa ở Quảng Nam mang lại hiệu quả rất thiết thực. Với nhiều điều kiện thuận lợi, thời gian tới tỉnh cần thực hiện tốt hơn nữa khâu dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất và đẩy mạnh việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn để tiếp tục nhân rộng mô hình kinh tế này.

TƯ RUỘNG