Người chăn nuôi gia cầm gặp khó
Chủ nhật vừa rồi, về thăm quê, Tư tôi nghe nhiều hộ dân trong xóm than phiền về chuyện đầu ra sản phẩm gia cầm gặp khó do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19.
Ông Văn Quý Hùng ở thôn Trung Vĩnh (xã Quế Xuân 1, Quế Sơn) cho biết, đầu tháng 2 năm nay ông cùng với người em vợ rủ nhau hùn vốn xây dựng trang trại chăn nuôi vịt thịt với số lượng lớn sát bờ sông Cống Ba.
Lứa đầu tiên, ông Hùng thả nuôi tổng cộng 1.000 con. Khi đàn vịt được 45 ngày tuổi, ông bán trọn gói với mức giá bình quân mỗi con là 110 nghìn đồng, trừ chi phí lãi 20 triệu đồng. Lứa vịt thứ 2 ông cũng thả nuôi 1.000 con. Lần này, chủ buôn lớn ở Quảng Ngãi cũng đồng ý mua trọn bầy vịt với mức giá thỏa thuận ban đầu là 110 nghìn đồng/con.
Thế nhưng, khi chủ buôn chuẩn bị đưa nhân công và xe tải đến bắt vịt chở đi tiêu thụ thì thực hiện biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Chủ buôn quyết định không mua bầy vịt, nên những ngày qua ông Hùng bắt vịt bán lẻ với mức giá mỗi con chỉ 90 nghìn đồng.
“Lứa vịt thứ 2 này tui chỉ huề vốn và mất gần 2 tháng công chăm sóc. Đáng lo là khoảng 10 ngày nữa tui sẽ tiếp tục xuất bán lứa vịt thứ 3 cũng với tổng đàn 1.000 con. Nếu lệnh giãn cách xã hội cứ kéo dài, chắc chắn việc tiêu thụ lại gặp vô vàn khó khăn” - ông Hùng nói.
Bà Trương Thị Nguyệt ở thôn Cẩm Văn Bắc (xã Điện Hồng, Điện Bàn) cho biết, cách đây 3 năm gia đình bà đầu tư xây dựng trang trại nuôi gà đẻ trứng với quy mô mỗi lứa 3.000 con. Hiện nay bình quân mỗi ngày bà thu được 2.500 quả trứng (tổng trọng lượng khoảng 150kg).
Trước đây, tư thương đến tận trang trại thu mua sỉ trứng gà với giá 30 nghìn đồng/kg, như vậy hằng ngày bà Nguyệt có mức thu nhập 4,5 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, bà lãi ròng khoảng 750 nghìn đồng/ngày.
Tuy nhiên, từ sau Tết Canh Tý đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều bếp ăn tập thể, hàng quán không hoạt động khiến đầu ra của trứng gà hết sức khó khăn. Từ đó, tư thương đã giảm giá thu mua trứng gà xuống còn 19 nghìn đồng/kg nhưng bà Nguyệt vẫn phải chấp nhận bán vì không có cơ sở và trang thiết bị bảo quản trứng đảm bảo yêu cầu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho hay, do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây hại kéo dài trên diện rộng nên gần 1 năm trở lại đây người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã chuyển hướng đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực chăn nuôi gia cầm. Hiện toàn tỉnh có hơn 7 triệu con gia cầm (chủ yếu là gà, vịt), tăng ít nhất 2 triệu con so với tháng 5.2019 trở về trước. Tuy nhiên, trong vòng 3 tháng nay, sức tiêu thụ sản phẩm thịt gia cầm và trứng trên thị trường rất yếu, đã đẩy hàng chục nghìn hộ chăn nuôi gia cầm của tỉnh lâm vào tình cảnh khó khăn.