Gặt lúa "chạy" dịch hại

TƯ RUỘNG 14/04/2020 06:26

Cuối tuần rồi, lên xã Quế Thọ (Hiệp Đức), Tư tôi thấy vợ chồng chị Sáu Cẩm Tú lom khom cắt lúa bằng tay rồi bó lại gánh về nhà tuốt.

Chị Sáu cho biết, đông xuân này gia đình gieo sạ 2 sào lúa bằng loại giống ngắn ngày PC6. Trong vụ, nhờ chú trọng đầu tư thâm canh nên ruộng lúa sinh trưởng tốt và trổ đòng rất đồng đều. Tuy nhiên, cách đây vài ngày, khi 2 sào lúa bắt đầu chín rộ thì rầy nâu bất ngờ xuất hiện với mật độ khá nhiều và gây cháy chòm từng vạt.

“Thời điểm này, các chân ruộng đã khô nước, nếu tiến hành phun thuốc đặc hiệu trừ rầy thì hiệu quả mang lại sẽ không cao. Quan sát thấy bông lúa đã chín được 80% nên tui quyết định gặt sớm “chạy” rầy, nếu để lúa ở ngoài đồng thêm vài ngày nữa thì nguy cơ sẽ mất mùa nghiêm trọng, thậm chí là mất trắng hoàn toàn” - chị Sáu Cẩm Tú nói.

Từ Quế Thọ, xuôi xuống xã Bình Lâm, Tư tôi lại thấy gia đình anh Tám Hội Tường hối hả thu hoạch 3 sào lúa bằng thủ công. “Khi ruộng lúa của tui đang chín thì mấy ngày nay bệnh đạo ôn cổ bông bùng phát và gây hại mạnh. Theo ngành chuyên môn, đây là loại bệnh cực kỳ nguy hiểm do nấm Pirycularia Oryzea Cav gây ra. Muốn hạn chế thiệt hại, phải dùng các loại thuốc đặc hiệu phun phòng bệnh trước hoặc sau khi lúa trổ bông khoảng 5 - 7 ngày, còn bây giờ thì việc xịt thuốc không mang lại tác dụng nữa. Kiểm tra ruộng, thấy nhiều bông lúa nhiễm bệnh bị khô ráp và trắng bạch nên vợ chồng tui cùng 2 đứa con phải gặt sớm hơn dự kiến khoảng 1 tuần” - anh Tám Hội Tường chia sẻ.

Ông Phan Nghị - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Hiệp Đức cho biết, những ngày qua trên địa bàn huyện có không dưới 80 sào lúa đang chín bị nhiễm rầy nâu và bệnh đạo ôn cổ bông, trong đó có nhiều chân ruộng cháy chòm từng vạt.

“Trước tình trạng trên, ngành nông nghiệp huyện, chính quyền các địa phương và đặc biệt là đội ngũ khuyến nông viên cơ sở khuyến cáo bà con nông dân khẩn trương thu hoạch số diện tích vừa nêu nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại” - ông Nghị nói.

Hiệp Đức xem ra vẫn còn nhẹ, Thăng Bình mới là địa phương được xác định là vùng trọng điểm rầy nâu và bệnh đạo ôn cổ bông gây hại. Trao đổi với Tư tôi, ông Hồ Ngọc Quảng - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Thăng Bình cho hay, toàn huyện có tổng cộng 260ha lúa đông xuân nhiễm rầy nâu và bệnh đạo ôn cổ bông, trong đó có 44ha bị gây hại nặng.

“Do thời điểm này hầu hết ruộng lúa đã chín và khô nước nên việc phun thuốc đặc hiệu trừ rầy cũng như bệnh đạo ôn cổ bông là không khả thi. Vì vậy, mấy ngày nay chúng tôi tập trung vận động nhà nông thu hoạch sớm số diện tích lúa bị dịch bệnh gây hại nặng để hạn chế tình trạng năng suất tụt giảm mạnh” - ông Quảng nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Sương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật Quảng Nam thông tin, những ngày gần đây tại nhiều nơi của tỉnh đã có ít nhất 200ha lúa nhiễm rầy nâu và 150ha lúa khác bị bệnh đạo ôn cổ bông gây hại. Hiện phần lớn diện tích lúa nêu trên đã chín được khoảng 75 - 80% nên nông dân đang tất tả thu hoạch để giảm thiểu thiệt hại.

TƯ RUỘNG