Phòng trừ rầy trên lúa đông xuân

TƯ RUỘNG 31/03/2020 09:16

Cuối tuần rồi, lên xã Duy Sơn (Duy Xuyên), Tư tôi thấy anh Tám Trà Kiệu lom khom vạch gốc lúa kiểm tra sâu bệnh. Anh cho biết, đông xuân này gia đình anh gieo sạ 2 sào lúa bằng loại giống ngắn ngày PC6. Cách đây vài ngày, bỗng dưng ruộng lúa xuất hiện khá nhiều rầy nâu và rầy lưng trắng.

“Quan sát trên ruộng, thấy rầy bu bám với mật độ hơn 1.000 con/mét vuông nên tui tức tốc ra cửa hàng vật tư nông nghiệp mua thuốc đặc hiệu Chess 50WG về phun trừ theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Nhờ xịt thuốc kịp thời và đúng cách nên hiện nay đã cơ bản khống chế được 2 loại rầy này. Lúa đang trong giai đoạn ngậm sữa - chắc xanh, nếu không sớm phát hiện và triển khai các biện pháp phòng trừ hiệu quả thì chắc chắn rầy sẽ gây cháy chòm từng vạt, dẫn đến năng suất tụt giảm mạnh và thậm chí là mất trắng hoàn toàn” - anh Tám Trà Kiệu nói.

Trao đổi với Tư tôi, ông Nguyễn Văn Tấn - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Duy Sơn cho hay, vụ đông xuân năm nay nông dân trên địa bàn canh tác 276ha lúa. Hiện số diện tích lúa vừa nêu đã trổ xong và bắt đầu thời kỳ ngậm sữa - chắc xanh. Những ngày gần đây, trên các xứ đồng của địa phương đã xuất hiện rầy nâu và rầy lưng trắng. Tính đến thời điểm này, toàn hợp tác xã đã có hơn 10 sào lúa bị nhiễm 2 loại rầy này.

“Trước tình trạng đó, lãnh đạo đơn vị đã cắt cử đội ngũ cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát đồng ruộng, tích cực hướng dẫn nhà nông sử dụng các loại thuốc đặc hiệu để phun trừ đối với những chân ruộng có mật độ rầy cao. Nhờ vậy, đến nay tình hình đã được kiểm soát, không để rầy bùng phát mạnh trên diện rộng” - ông Tấn nói.

Theo tìm hiểu của Tư Ruộng, vụ đông xuân 2019 - 2020 này, nông dân trên toàn tỉnh sản xuất tổng cộng 42.500ha lúa. Hiện nay, phần lớn diện tích đang trổ đòng - ngậm sữa - chắc xanh. Bà Nguyễn Thị Sương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật Quảng Nam cho biết, những ngày qua rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh trên phạm vi rộng và hiện toàn tỉnh đã có ít nhất 150ha lúa bị nhiễm rầy. Theo bà Sương, thời gian tới rất nhiều khả năng rầy nâu và rầy lưng trắng sẽ tiếp tục gây hại mạnh ở các địa phương.

Để hạn chế thiệt hại, bà Sương đề nghị ngành nông nghiệp cấp huyện, chính quyền cơ sở và nhất là đội ngũ khuyến nông viên tập trung hướng dẫn người dân thường xuyên thăm đồng, vạch kỹ gốc lúa để kịp thời phát hiện các ổ rầy gây hại. Khi thấy rầy xuất hiện trên ruộng với mật độ trung bình từ 2 - 3 con/dảnh lúa (khoảng 1.000 - 2.000 con/mét vuông) thì nên dùng các loại thuốc đặc hiệu như Alika 247SC, Chess 50WG, Map Jono 700 WP… để phun trừ.

“Khi phun thuốc trừ rầy, nông dân cần phải khoanh vùng và phun kỹ các ổ rầy nhằm diệt trừ triệt để. Đồng thời luôn giữ nước trong ruộng khi phun trừ rầy để tăng hiệu quả sử dụng thuốc” - bà Sương khuyến cáo.

TƯ RUỘNG