Cảnh giác dịch hại trên cây đậu phụng
Lom khom nhổ bỏ những dây đậu phụng non chết héo, anh Sáu Tân Thọ ở xã Duy Châu, Duy Xuyên nói: “Đông xuân năm nay tui sản xuất 4 sào đậu phụng trên khu bãi biền nằm dọc sông Thu Bồn. Mấy ngày gần đây bệnh héo xanh vi khuẩn bất ngờ xuất hiện làm một số vạt đậu xảy ra hiện tượng chết héo khiến tui lo quá”. Xuống xã Duy Thành, Tư tôi lại nghe chị Ba Vân Quật than phiền về chuyện ruộng đậu phụng non bị bệnh thối gốc mốc trắng gây hại.
Kỹ sư Võ Văn Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Duy Xuyên thông tin, qua khảo sát tại nhiều vùng cho thấy, từ sau Tết Nguyên đán đến nay toàn huyện có ít nhất 60ha lúa bị chuột cắn phá và đặc biệt là có hơn 40ha đậu phụng đang trong giai đoạn ra hoa – tạo trái bị bệnh héo xanh vi khuẩn, thối gốc mốc trắng gây hại rải rác.
Theo tìm hiểu của Tư tôi, bệnh héo xanh do vi khuẩn có tên khoa học là Pseudomonas solanacearum Smith gây ra. Loại vi khuẩn này tồn tại trong đất, trong tàn dư cây trồng, cỏ dại. Vi khuẩn dễ dàng xâm nhập qua vết thương cơ giới hoặc vết chích của côn trùng ở rễ, thân cây đậu phụng. Sau khi xâm nhập vào cây đậu, chúng tấn công vào mạch dẫn và di chuyển theo mạch dẫn làm hư bó mạch, cây không thể vận chuyển nước và dinh dưỡng dẫn đến hiện tượng héo - chết. Tốc độ xâm nhiễm và gây bệnh phụ thuộc vào giai đoạn sinh trưởng của cây đậu, ẩm độ đất và nhiệt độ môi trường. Chúng phát triển nhanh ở ẩm độ đất cao, nhiệt độ từ 24 – 38 độ C và gây hại nặng khi cây đậu đã lớn, nhất là thời kỳ đâm tia - tạo quả. Héo xanh vi khuẩn là loại bệnh rất khó phòng trị, sử dụng thuốc hóa học không có hiệu quả. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, nhà nông nên dùng các loại thuốc như Kasuran 50 WP, Kanamin 47 WP… để phun trừ thì có thể hạn chế được bệnh. Điều cần phải làm là nông dân nhổ bỏ cây đậu bị bệnh gom lại rồi đem đi đốt.
Còn bệnh thối gốc mốc trắng là do nấm Sclerotium rolfsii gây ra. Bệnh này phát sinh mạnh trong điều kiện nền nhiệt độ tương đối cao, đất ẩm ướt, cây đậu phát triển kém. Bệnh xuất hiện trong suốt quá trình sinh trưởng của cây đậu nhưng nặng nhất là ở giai đoạn ra hoa và có trái non. Khi phát hiện nấm Sclerotium rolfsii gây hại, nông dân nên nhổ bỏ cây bị bệnh lúc mới chớm phát sinh, rắc vôi bột vào gốc trên mặt luống hoặc tưới nước vôi loãng 4% vào gốc để hạn chế nấm bệnh. Đồng thời dùng các loại thuốc phun vào gốc cây để chống bệnh như Kasumin 2L (1,5 – 2 lít/ha), Topsin M-70WP (0,4 - 0,6kg/ha)...
Theo ngành nông nghiệp, vụ đông xuân năm nay nông dân trên địa bàn tỉnh gieo trồng hơn 7.300ha đậu phụng. Thời điểm này, hầu hết ruộng đậu đang trong giai đoạn ra hoa – tạo trái, đây là thời kỳ quyết định đến năng suất, sản lượng đậu. Vì vậy, cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương, đặc biệt là đội ngũ khuyến nông viên cơ sở cần thường xuyên giám sát đồng ruộng và tích cực quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ nhà nông cách phòng trừ hiệu quả các loại dịch hại nguy hiểm trên cây đậu phụng, nhất là bệnh héo xanh vi khuẩn, lở cổ rễ, thối gốc mốc trắng, thối gốc mốc đen... có nguy cơ phát sinh diện rộng.