Phòng trừ dịch hại trên cây trồng
Anh Ba Trung Nam ở xã Quế Trung (Nông Sơn) đang lom khom đào hố chôn những xác chuột chết. Lân la hỏi chuyện, người đàn ông 52 tuổi này than phiền: “Đông xuân năm nay gia đình tui gieo sạ 5 sào lúa, tất cả đều xuống giống vào cuối tháng 12 dương lịch năm ngoái. Thế nhưng, từ hôm 30 Tết Canh Tý đến nay chuột bùng phát và cắn phá khá nhiều diện tích lúa non. Hơn 1 tuần qua ngày nào tui cũng ra đồng đào phá hang, đuổi đánh chuột và tìm mua thuốc sinh học Racomin về đánh bả để tiêu diệt”.
Trao đổi với Tư Ruộng, ông Trần Văn Lưu - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Nông Sơn cho biết, vụ đông xuân 2019 - 2020 nông dân trên địa bàn xã Quế Trung sản xuất tổng cộng 225ha lúa. Tuy nhiên, từ thời điểm cận Tết Canh Tý đến nay, tại địa phương này đã có 30% số diện tích lúa vừa nêu bị chuột gây hại. Theo dự báo, khi cây lúa bước vào thời kỳ đứng cái - làm đòng, rất nhiều khả năng chuột sẽ bùng phát mạnh hơn nữa. Vì vậy, những ngày qua đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của huyện đã tăng cường về cơ sở phối hợp với chính quyền cấp xã và lực lượng khuyến nông viên tích cực hỗ trợ, hướng dẫn nông dân triển khai hiệu quả các biện pháp diệt chuột.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho hay, mặc dù trước Tết Canh Tý UBND thị xã Điện Bàn đã chủ động xuất nguồn kinh phí mua 85kg thuốc sinh học Racomin về cấp phát cho chính quyền các xã, phường để hỗ trợ nhà nông đánh bả diệt chuột nhưng hiện nay tại địa phương này vẫn có đến 58ha lúa đông xuân bị chuột gây hại, chủ yếu là những chân ruộng thiếu nước tưới. Những ngày qua tại nhiều nơi của Điện Bàn cũng có 78ha lúa non bị ốc bươu vàng cắn phá. Đặc biệt, bệnh lở cổ rễ và bệnh thán thư do nấm gây ra cũng đã xuất hiện, gây hại 52ha đậu phụng, ớt, đậu cô ve ở một số vùng trên địa bàn. “Trước tình trạng chuột, ốc bươu vàng và các loại dịch hại nguy hiểm có khả năng bùng phát mạnh trong thời gian đến, cuối tuần qua ngành nông nghiệp thị xã Điện Bàn đã có cuộc họp với những đơn vị liên quan cùng chính quyền các địa phương để tập trung phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng trừ” - ông Chơi nói.
Theo tìm hiểu của Tư tôi, đông xuân năm nay nông dân trên địa bàn Quảng Nam sản xuất 42.000ha lúa và hàng chục nghìn héc ta cây trồng cạn các loại như ớt, đậu phụng, bắp, đậu xanh, đậu cô ve... Thời gian gần đây chuột và một số đối tượng sâu bệnh nguy hiểm cũng đã xuất hiện, gây hại rải rác tại nhiều trong tỉnh. Từ thực tế trên, ngành chuyên môn, chính quyền cấp cơ sở, đội ngũ khuyến nông viên và nông dân cần phải thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ đồng ruộng để kịp thời phát hiện, chủ động triển khai các biện pháp phòng trừ những loại dịch hại nhằm hạn chế thiệt hại.