Bỏ hoang nhiều ruộng lúa
Cách đây vài ngày, lên xã Duy Châu (Duy Xuyên) tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế nông nghiệp, Tư tôi tình cờ thấy anh Tám Thọ Xuyên khoanh tay đứng trước hiên nhà nên ghé vào trò chuyện giây lát: “Vụ hè thu năm nay năng suất lúa đạt khá không ông anh?”. “Tui bỏ ruộng hoang chứ đâu có gieo sạ, chú Tư”. “Nguồn nước tưới khó khăn quá hả anh Tám?”. “Nước tưới dồi dào nhưng sản xuất không hiệu quả nên tui chán nản”...
Anh Tám Thọ Xuyên còn cho biết, gia đình có 3 sào ruộng lúa nằm ven khu vực triền đồi. Mặc dù nước tưới luôn chủ động nhưng do chuột thường xuyên cắn phá với mức độ hết sức nghiêm trọng nên vụ mùa liên tục thất bát. Gần đây nhất, vụ đông xuân 2018 – 2019, khi 3 sào lúa của anh bắt đầu đẻ nhánh rộ thì chuột bùng phát mạnh trên diện rộng. Dù vợ chồng anh khẩn trương triển khai các biện pháp đối phó như đào phá hang, xông thuốc, đánh bả... nhưng chuột vẫn cắn phá tả tơi những ruộng lúa non khiến anh bị mất trắng hoàn toàn. “Chú Tư mi biết không, trước tình trạng chuột hoành hành dữ dội, nản lòng nên vụ hè thu 2019 này gia đình tui quyết định bỏ hoang cả 3 sào ruộng lúa. Bởi, nếu có gieo sạ thì chỉ tốn tiền thuê phương tiện cơ giới cày – lồng đất, mua hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chứ chẳng thu được gì. Không sản xuất lúa, trong khi bệnh dịch tả lợn châu Phi lại gây hại dai dẳng nên thời gian qua vợ chồng tui phải chở nhau đi làm phụ hồ khắp nơi để trang trải đời sống hằng ngày” – anh Tám Thọ Xuyên nói.
Không riêng anh Tám Thọ Xuyên, tình trạng nông dân bỏ hoang ruộng lúa cũng xảy ra khá nhiều ở Duy Châu trong thời gian gần đây. Trao đổi với Tư tôi, ông Lê Phước Hải – Phó Trưởng ban Nông nghiệp xã Duy Châu cho hay, theo số liệu thống kê sơ bộ, hè thu năm nay người dân địa phương đã bỏ hoang không dưới 26ha (520 sào) đất lúa. Theo ông Hải, số diện tích vừa nêu tập trung chủ yếu ở quê anh Tám Thọ Xuyên và 2 thôn khác là Tân Phong, Thanh Châu. “Qua khảo sát cho thấy, hầu hết 26ha đất lúa bỏ hoang đó đều đảm bảo nguồn nước tưới. Tuy nhiên, do những mùa trước, nhất là đông xuân 2018 – 2019 số diện tích trên bị chuột cắn phá quá nặng dẫn đến mất trắng hoàn toàn hoặc năng suất lúa tụt giảm nghiêm trọng khiến nhà nông mệt mỏi và không tiếp tục triển khai gieo sạ trong vụ hè thu 2019 này” – ông Hải nói.
Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Ánh – chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, ngoài Duy Châu thì thời gian qua chuyện nông dân bỏ hoang đất lúa hoặc suy giảm thâm canh cũng xuất hiện tại nhiều nơi khác của huyện. Chỉ tính riêng trong vụ hè thu 2019 trên địa bàn Duy Xuyên có ít nhất 150ha đất canh tác lúa bỏ hoang. “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này phần lớn là do việc sản xuất lúa không mang lại lợi nhuận cao khiến nhiều hộ dân bỏ ruộng đi làm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp hoặc đi làm thợ - phụ hồ...” – ông Ánh nói.
Theo tìm hiểu của Tư tôi, do nắng hạn kéo dài trên diện rộng, hạ tầng thủy lợi không đảm bảo cung ứng nước tưới thường xuyên và việc canh tác không đạt hiệu quả kinh tế cao nên vụ hè thu năm nay tại nhiều địa phương khác của tỉnh như Tiên Phước, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Nông Sơn, Thăng Bình, Quế Sơn, Điện Bàn, Tam Kỳ... cũng có 500 – 600ha đất lúa bị bỏ hoang.