Hiệu quả từ dồn điền đổi thửa

VĂN SỰ - PHI THÀNH 04/09/2018 02:21

Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) nên huyện Duy Xuyên đã hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho giá trị kinh tế cao.

Xác định DĐĐT tác động rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn nên thời gian qua xã Duy Phước (Duy Xuyên) tập trung tối đa cho khâu này. Ông Lê Đào – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phước cho biết, tính đến cuối tháng 8.2018, trong tổng số 499ha đất lúa, địa phương đã DĐĐT được gần 300ha. Qua đó, quy hoạch xây dựng 4 cánh đồng mẫu, 12 cánh đồng kỹ thuật. Đồng thời huy động nguồn lực đầu tư xây dựng bài bản hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng và đẩy mạnh việc liên kết với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất giống lúa hàng hóa với quy mô mỗi vụ ít nhất 50ha. Theo ông Đào, số diện tích sản xuất giống lúa vừa nêu chủ yếu bố trí các loại giống Thiên ưu 8, Kim Cương 111 và thực tế cho thấy hướng canh tác này giúp thu nhập của nhà nông tăng thêm 9 - 11 triệu đồng/ha/vụ so với làm lúa thương phẩm. “Trong quá trình sản xuất lúa, địa phương chú trọng việc chuyển giao quy trình thâm canh tiên tiến, nhất là áp dụng gói kỹ thuật IPM kết hợp sử dụng công cụ sạ hàng nên năng suất lúa tăng từ 62 tạ/ha năm 2011 lên gần 70 tạ/ha hiện nay. Đặc biệt, thực hiện cơ chế 33 của UBND tỉnh, thời gian qua xã đã hỗ trợ một phần kinh phí cho nông dân có điều kiện mua sắm 17 máy làm đất loại lớn, 7 máy gặt đập liên hợp. Qua đó, giúp nhà nông giải phóng sức lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế” – ông Đào chia sẻ thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Bốn – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có 3.800ha đất lúa, 1.200ha đất màu. Những năm qua, địa phương đã nỗ lực triển khai mạnh mẽ công tác DĐĐT nhằm tạo tiền đề quan trọng cho sản xuất hàng hóa tập trung. Theo ông Bốn, tính đến thời điểm này toàn huyện đã DĐĐT hơn 2.000ha đất lúa và đất màu. Sau khi đồng ruộng được cải tạo, bằng nhiều nguồn vốn huy động địa phương đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng… để hình thành nên những mô hình cánh đồng mẫu lớn. “Hiện Duy Xuyên đã hình thành được 25 cánh đồng mẫu lớn, bình quân mỗi cánh đồng có diện tích 25 - 50ha. Thời gian qua, nhờ chú trọng công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên nông dân nhiều nơi của huyện đã xây dựng được hàng loạt mô hình sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm chất lượng cao và canh tác các loại cây trồng cạn chủ lực theo phương thức luân canh, xen canh, gối vụ mang lại hiệu quả cao. Thực tế cho thấy, trước khi DĐĐT giá trị sản xuất bình quân chỉ đạt 18 - 22 triệu đồng/ha/năm. Sau khi thực hiện khâu này, giá trị sản xuất tăng lên 60 - 70 triệu đồng/ha/năm, có nhiều vùng đạt hơn 100 triệu đồng/ha/năm như thôn Lệ Bắc (Duy Châu), thôn Mậu Hòa (Duy Trung), thôn Phú Nhuận 3 (Duy Tân), thôn Vạn Buồng (Duy Trinh)…” - ông Bốn nói.

VĂN SỰ - PHI THÀNH

VĂN SỰ - PHI THÀNH