Chuối lùn thất bát vì nấm bệnh

TƯ RUỘNG 21/08/2018 02:08

Cách đây vài ngày, lên huyện Đại Lộc tìm hiểu hiệu quả của các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, Tư tôi tình cờ gặp lại anh Sáu Phú Đông ở xã Đại Hiệp. Nghe hỏi chuyện làm ăn, anh Sáu chậc lưỡi: “Hồi trước nhờ chuyên canh chuối lùn mà gia đình tui có nguồn thu nhập cao và ổn định nhưng mấy năm gần đây bệnh Panama hoành hành dữ quá khiến tui phải từ bỏ loại cây trồng này”.

Anh Sáu có 10 sào đất màu trên khu bãi biền nằm sát sông. Với sự tiếp sức từ nhiều phía, đầu năm 2007 anh Sáu mạnh dạn xây dựng mô hình chuyên canh chuối lùn trên số diện tích vừa nêu. Theo anh Sáu, giai đoạn 2008 - 2014 bình quân hàng năm anh thu về ít nhất 160 triệu đồng từ mô hình canh tác này, trong khi đó chi phí đầu tư chỉ tốn chừng 20 - 25 triệu đồng. Thế nhưng, giữa năm 2015, khi vườn chuối lùn đang ra buồng rộ thì đùng một cái nấm bệnh Panama bùng phát mạnh. Do lúng túng trong việc triển khai các biện pháp phòng trừ nên chỉ trong thời gian ngắn vườn chuối của anh Sáu bị héo rũ và chết hàng loạt, dẫn đến thất thu một số tiền khá lớn. Đầu năm 2016, anh Sáu Phú Đông bỏ ra hàng chục triệu đồng gầy dựng lại vườn chuối lùn. Nào ngờ, khi cây chuối mới được 4 tháng tuổi thì bệnh Panama lại xuất hiện và hoành hành trên diện rộng khiến anh Sáu gần như mất trắng hoàn toàn. Thất bại nặng nề trong 2 vụ liên tiếp nên từ giữa năm 2016 đến nay anh đã từ bỏ chuối lùn và chuyển toàn bộ 10 sào đất màu sang sản xuất một số loại cây trồng cạn.

Trao đổi với Tư Ruộng, ông Phạm Thành Sự - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp & kinh doanh tổng hợp Đại Hiệp cho biết, năm 2013 trở về trước nông dân địa phương tập trung nguồn lực đầu tư phát triển mạnh mô hình chuyên canh chuối lùn theo phương thức hàng hóa. Ngoài những diện tích trồng ven vườn nhà, thời điểm ấy Đại Hiệp có khoảng 120ha chuối lùn chuyên canh, trong đó 100ha là đất màu ven sông và 20ha được chuyển từ đất lúa sang. Ông Sự nói: “Thực tế cho thấy, bình quân mỗi năm 1ha chuối lùn cho mức thu nhập không dưới 300 triệu đồng. Tuy nhiên, do nấm bệnh Panama gây hại hết sức nghiêm trọng, việc canh tác liên tục thất bát nên trong vòng 5 năm trở lại đây nông dân trên địa bàn xã đã chuyển 120ha chuối lùn chuyên canh đó sang gieo trồng lúa và các loại hoa màu như đậu phụng, bắp, ớt, đậu xanh…”. Trong khi đó, ông Lê Văn Thanh – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Đại Lộc cho hay, ngoài vùng trọng điểm Đại Hiệp thì thời gian qua nông dân các địa phương khác của huyện như xã Đại Hòa, thị trấn Ái Nghĩa… cũng chuyển ít nhất 100ha chuối lùn chuyên canh sang sản xuất những loại cây trồng cạn chủ lực và cũng gặp tình cảnh tương tự.

Theo tìm hiểu của Tư tôi, bệnh héo rũ Panama trên cây chuối lùn do nấm Fusarium oxysporum f. sp. cubense (Foc) gây ra. Đây là loại bệnh cực kỳ nguy hiểm, có tốc độ lây lan nhanh, rất khó phòng trừ nên thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Bệnh này có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn tăng trưởng nào của cây chuối. Nấm Fusarium oxysporum f. sp. Cubense tồn tại trong đất và tàn dư cây bệnh. Nấm có thể sống hoại sinh trong củ chuối và các bộ phận khác một thời gian dài, lây lan chủ yếu theo cây chuối con, dụng cụ làm vườn và đất có mang mầm bệnh. Nấm bệnh xâm nhập chủ yếu qua chóp rễ hoặc qua vết thương ở rễ. Sau khi xâm nhập, nấm sẽ phát triển trong mạch dẫn làm cho cây bị vàng héo. Trong trường hợp không có cây ký chủ, bào tử nấm có thể tồn tại trong đất với thời gian hơn 20 năm...

TƯ RUỘNG

TƯ RUỘNG