Qua vùng bỏ hoang

TƯ RUỘNG 05/06/2018 09:38

Từ xã Tiên Phong, Tư Ruộng ngược lên thị trấn Tiên Kỳ của huyện Tiên Phước. Khi chỉ còn cách trung tâm hành chính huyện chừng 2 cây số, tình cờ Tư tôi thấy anh Tám Tiên Mỹ dắt cặp bò lội trên mấy đám ruộng còn lô nhô gốc rạ để gặm những vạt cỏ úa vàng dọc các bờ thửa. “Ở rất nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, bây giờ những ruộng lúa hè thu gieo sạ trà 1 và trà 2 đã nẩy mầm lên xanh, sao xứ đồng quê anh vẫn chưa cày phơi ải?” - Tư tôi thắc mắc. Nghe vậy, anh Tám Tiên Mỹ nói: “Có sản xuất được đâu mà cày với cấy. Vợ chồng tui có 4 sào đất canh tác lúa. Do hệ thống đập dâng và kênh mương chưa được đầu tư xây dựng nên hàng chục năm qua nguồn nước tưới cho cây trồng vẫn là bài toán hết sức nan giải đối với gia đình tui cũng như hàng trăm hộ dân khác trong vùng. Vụ đông xuân, nhờ trời dịu mát, lại thường xuyên xuất hiện những đợt mưa nên tranh thủ vãi hạt giống xuống đất để kiếm gạo đổ nồi. Còn hè thu, nắng hạn quay quắt, tìm nước cho việc ăn uống và tắm giặt đã quá khó, nói gì đến chuyện có nước để đổ ải gieo sạ lúa”. Hỏi sao không chuyển số diện tích đất lúa đó sang sản xuất các loại cây trồng cạn chủ lực có khả năng chịu hạn tốt nhằm kiếm thêm nguồn thu nhập thì anh Tám chậc lưỡi: “Bỏ ruộng hoang hoài cũng chán, những năm qua đã không ít lần tui mua hạt giống bắp lai và đậu phụng về gieo tỉa trên 4 sào ruộng lúa trong vụ hè thu. Giai đoạn đầu, nhờ đất còn ẩm ướt nên hạt giống nẩy mầm lên xanh. Thế nhưng, một thời gian sau, nắng hạn kéo dài trên diện rộng, nước tưới không có giọt nào khiến ruộng bắp và đậu non bị héo úa hàng loạt rồi chết trụi hết”.

Chia tay anh Tám Tiên Mỹ, khảo sát một số vùng khác ở các xã Tiên Thọ, Tiên Hà, Tiên Sơn, Tiên Lộc, Tiên Cảnh… thuộc huyện Tiên Phước, Tư tôi thấy rất nhiều diện tích đất canh tác lúa hiện vẫn còn trơ gốc rạ. Để nắm kỹ tình hình sản xuất vụ hè thu 2018 của địa phương này, Tư Ruộng đến gặp  ông Lê Văn Phụng - Trưởng phòng NN&PTNT Tiên Phước. Ông Phụng cho biết, trên địa bàn 15 xã, thị trấn của huyện có xấp xỉ 2.400ha đất lúa. Tuy nhiên, vụ hè thu năm nay ngành nông nghiệp huyện và chính quyền cơ sở chỉ hướng dẫn bà con nông dân đưa vào gieo sạ 1.600ha lúa, còn lại gần 800ha không thể xuống giống được vì quá bức bí nguồn nước tưới.

Theo lời ông Phụng, đối với số diện tích đất lúa không gieo sạ được vừa nêu, các cơ quan có trách nhiệm đang tích cực vận động nhà nông chuyển sang trồng những loại hoa màu có sức chịu hạn tốt. Tuy nhiên, sự thành bại hoàn toàn phụ thuộc vào… ông trời. “Trong số 1.600ha đất lúa nằm trong kế hoạch sản xuất, nếu thời gian tới thời tiết diễn biến quá khắc nghiệt, chắc chắn sẽ có 800 - 1.000ha bị thiếu nước tưới trầm trọng. Hiện nay, UBND huyện Tiên Phước đã phê duyệt phương án phòng chống hạn vụ hè thu 2018 với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Khi tình huống xấu xảy ra, ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương sẽ dùng số tiền này để sửa chữa, gia cố các đập dâng, đập thời vụ. Cùng với đó, triển khai nạo vét, kiên cố hóa những đoạn kênh xung yếu. Đồng thời xây dựng một số đập ngăn nước nhỏ và giếng thu nước ở đầu nguồn các khe, suối rồi hỗ trợ đường ống nhựa lớn cho người dân đưa nước về ruộng. Đặc biệt, huyện sẽ trưng dụng 256 máy bơm D4 dã chiến để tận dụng mọi nguồn nước ngọt giải cứu cây trồng” - ông Phụng nói thêm.

TƯ RUỘNG

TƯ RUỘNG