Bất chấp khuyến cáo
Cách đây 2 ngày, trên đường từ Tam Kỳ chạy ra Duy Xuyên, vừa qua khỏi chợ Quán Gò thì Tư tôi thấy anh Sáu Thạch Bình ở xã Bình An (Thăng Bình) hì hục đánh chiếc máy bông sen lồng trên những sào ruộng còn trơ gốc rạ. Thấy Tư tôi dừng xe rồi tiến lại gần, anh Sáu cũng tấp chiếc máy bông sen vào góc ruộng, tắt động cơ và trò chuyện. Nghe hỏi về năng suất lúa đông xuân 2017 - 2018, anh Sáu nói: “Vụ vừa rồi, gia đình tui sản xuất 3 sào lúa bằng loại giống ngắn ngày HT1. Từ đầu đến giữa vụ, hầu hết ruộng lúa đều đẻ nhánh khỏe và phát triển tốt, nhưng gần cuối vụ bỗng dưng rầy nâu và rầy lưng trắng bùng phát mạnh khiến ruộng lúa bị cháy chòm nhiều vạt, dẫn đến năng suất chỉ đạt 280kg khô/sào. Trong khi đó, đông xuân năm trước, nhờ 2 loại rầy này không gây hại nên bình quân mỗi sào thu về 300kg lúa khô”.
Muốn cắt đứt cầu nối sâu bệnh chuyển vụ, nhất thiết phải cày phơi ải đất.Ảnh: T.R |
Hỏi sao không cày phơi ải trước khi cho nước vào ruộng lồng đất và xuống giống vụ lúa hè thu 2018 theo khuyến cáo của ngành chuyên môn thì anh Sáu Thạch Bình chậc lưỡi: “Ngày 28.4 dương lịch, tui thu hoạch xong toàn bộ 3 sào lúa đông xuân. Thế nhưng, nói thật với chú Tư, công đâu mà cày phơi ải. Hàng tuần, từ thứ Hai tới thứ Bảy, vợ chồng tui chở nhau vô Tam Kỳ làm thợ và phụ hồ. Sáng đi tối về, trừ tiền ăn uống và xăng nhớt xong, kiếm được không dưới 500 nghìn đồng. Còn làm lúa, bám riết ở ngoài đồng hơn 3 tháng trời nhưng đâu có lời lãi là mấy. Hôm nay, tranh thủ ngày Chủ nhật không đi làm thợ hồ, tui trổ nước vào lút gốc rạ và đánh máy bông sen ra lồng trực tiếp 3 sào ruộng rồi triển khai gieo sạ luôn. Biết rằng, không cày phơi ải là không cắt đứt được cầu nối sâu bệnh chuyển vụ nhưng đành chấp nhận”.
Ra đến xã Quế Xuân 1 của huyện Quế Sơn, Tư tôi thấy bà con nông dân hối hả gieo sạ lúa trên nhiều cánh đồng. Đang bưng mủng giống lội vãi trên mấy sào ruộng vừa đẩy trang bằng phẳng và đánh luống xong, thấy người lạ, chị Chín Thạnh Mỹ liền nghỉ tay. Lân la hỏi chuyện, chị Chín cho biết vụ hè thu này gia đình sản xuất 4 sào ruộng bằng 2 loại giống lúa thuần ĐV108 và PC6. Theo chị Chín, ngành nông nghiệp khuyến cáo đối với giống lúa thuần, nếu gieo sạ bằng việc vãi tay thì chỉ sử dụng 3 - 3,5kg hạt giống/sào. Tuy nhiên, chị cho rằng sử dụng lượng hạt giống như thế là quá ít và khi hạt giống nẩy mầm lên xanh thì cây lúa trên ruộng sẽ lưa thưa, dẫn đến năng suất đạt thấp. Vì vậy, bỏ qua hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, chị vẫn cứ tiếp tục áp dụng tập quán canh tác lâu nay là vãi 5kg hạt giống/sào.
Hôm qua, nghe chuyện, anh Tám Trồng Trọt cho biết, từ giữa đến gần cuối vụ đông xuân vừa rồi, nhiều loại sâu bệnh nguy hiểm như khô vằn, đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, đạo ôn cổ gié, rầy nâu, rầy lưng trắng… xuất hiện và gây hại trên hàng loạt cánh đồng lúa của tỉnh. Trong đó, đáng quan ngại nhất là rầy lưng trắng, bởi đối tượng này là môi giới lây truyền vi rút gây bệnh lùn sọc đen phương Nam trên cây lúa. Trước tình trạng đó, ngay từ gần cuối tháng 4.2018 ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền các cấp đã khuyến cáo nông dân thu hoạch lúa đông xuân đến đâu thì tranh thủ vệ sinh đồng ruộng, cày phơi ải đất đến đó nhằm chủ động cắt đứt cầu nối sâu bệnh chuyển vụ. Nhưng thực tế cho thấy, tại một số địa phương nhà nông vẫn không thực hiện khâu cày phơi ải đất, thậm chí là đánh máy lồng trực tiếp trên những thửa ruộng còn trơ gốc rạ và tiến hành xuống giống. Theo anh Tám, để giúp ruộng lúa đẻ nhánh khỏe, quang hợp tốt, phát triển mạnh và hạn chế sâu bệnh phát sinh, ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân gieo sạ với mật độ thưa. Nếu sản xuất bằng giống lúa lai, nên sử dụng 1 - 1,2kg giống/sào đối với sử dụng công cụ sạ hàng và 2 - 2,5kg giống/sào đối với vãi bằng tay. Còn nếu sản xuất bằng giống lúa thuần, nên sử dụng 2 - 2,5kg giống/sào đối với sử dụng công cụ sạ hàng và 3 - 3,5kg giống/sào đối với vãi bằng tay. Tuy nhiên, có nhiều nông dân sử dụng lượng hạt giống nhiều hơn mức khuyến cáo 1,5 - 2,5kg/sào.
TƯ RUỘNG