Bùng phát ruồi gây hại cây trồng
Cuối tuần rồi, về một số địa phương tìm hiểu tình hình sản xuất các loại cây trồng cạn, Tư tôi nghe nhiều nông dân than phiền vụ bí đao này có nguy cơ thất bát vì tình trạng ruồi đục trái đang bùng phát mạnh. Ông Phan Long ở thôn Trung Vĩnh (xã Quế Xuân 1, Quế Sơn) cho biết, ông trồng giàn bí đao trên diện tích 200m2 đất vườn. Mùa này nhiều khả năng nguồn thu nhập của gia đình sẽ tụt giảm mạnh vì giàn bí bị ruồi đục quả gây hại nặng. “Giàn bí đao của tui ra trái rộ nhưng khi trái mới to bằng cái nắm tay thì ruồi đục trái tấn công liên tục khiến trái non bị hư thối và rụng hàng loạt” - ông Long nói.
Theo tìm hiểu của Tư Ruộng, đông xuân năm nay nông dân toàn tỉnh sản xuất không dưới 3.000ha cây thực phẩm lấy quả. Không chỉ bí đao, thời gian gần đây tình trạng ruồi đục trái cũng xuất hiện khá nhiều trên một số loại cây như khổ qua, bí rợ, mướp, bầu, dưa leo… Theo thông tin từ ngành nông nghiệp, ruồi đục trái có tên khoa học là Bactrocera cucurbitae. Ruồi trưởng thành có hình dạng giống ruồi nhà, dài khoảng 6 - 8mm, màu vàng, có các vạch đen trên ngực và bụng. Cuối bụng ruồi cái có vòi đẻ trứng dài và nhọn dùng chích vào vỏ trái để đẻ trứng. Vết chích rất nhỏ, chỉ nhìn thấy nhờ vết mủ chảy ra. Ruồi trưởng thành hoạt động vào sáng sớm hoặc chiều mát. Một con cái có thể đẻ hơn 100 trứng. Trứng nở thành sâu non - là loại dòi có màu vàng nhạt hoặc trắng ngà. Dòi nở ra đục ngay vào trong trái, chỗ vết đục bên ngoài là một chấm nâu, bên trong trái dòi đục thành đường hầm vòng vèo làm trái bị thối mềm và dễ rụng.
Cơ quan chuyên môn khuyến cáo, để hạn chế tác hại của ruồi đục trái, nhà nông cần áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp. Theo đó, nông dân phải thường xuyên vệ sinh ruộng vườn, thu gom và xử lý những trái bị hư thối nhằm ngăn chặn tình trạng ruồi đục trái sinh sôi, phát triển. Đặc biệt, khi phát hiện ruồi gây hại, cần nhanh chóng dùng thuốc sinh học phun trừ hoặc tiến hành đặt bẫy dẫn dụ con trưởng thành đến để tiêu diệt…
TƯ RUỘNG