Dè dặt tái đàn vật nuôi
Cuối tuần qua, lên vùng Gò Nổi của Điện Bàn có chút việc riêng, Tư tôi tranh thủ ghé thăm vợ chồng anh Ba Kỳ Lam ở xã Điện Quang. Nghe hỏi về tình hình phát triển chăn nuôi, anh Ba chậc lưỡi: “Chu choa, cái lĩnh vực đó rất chi là ảm đạm. Những năm trước, gia đình tui chuyển 3 sào đất lúa nằm ven vườn nhà sang trồng cỏ voi nguyên liệu rồi đầu tư xây dựng mô hình nuôi bò thịt theo hướng thâm canh. Bình quân mỗi năm tui nuôi 8 con bò đực, sau khi trừ chi phí thì thu được 60 - 65 triệu đồng tiền lãi. Tuy nhiên, hơn 1 năm trở lại đây, thấy giá bò thương phẩm trên thị trường cứ liên tục tụt giảm mạnh nên tui quyết định cắt giảm 3/4 số lượng bò thả nuôi. Thế nhưng, xem ra vẫn không tránh khỏi tình cảnh thua lỗ. Chú Tư mi biết không, hồi giữa tháng 3.2017 tui bỏ ra 15 triệu đồng mua 2 con bò đực choai về nuôi những mong cuối năm bán kiếm đồng lời lo chuyện tết nhứt. Nào ngờ, cách đây vài ngày kêu thương lái đến bán thì họ chỉ trả giá 14 triệu đồng. Thấy rẻ quá, tui năn nỉ họ nhích giá lên nhưng họ lắc đầu rồi cưỡi xe đi. Vì cần tiền nên hôm qua tui đành chấp nhận bán 2 con bò ấy cho thương lái với giá 14 triệu đồng...
Trao đổi với Tư tôi, ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, hiện tổng đàn gia súc của thị xã ước khoảng 93.661 con, giảm hơn 9.700 con so với đầu năm 2017. Nguyên nhân chính khiến đàn gia súc giảm mạnh là thời gian qua giá bán bò thịt và heo hơi đều tụt xuống mức quá thấp nên việc tái đàn rất hạn chế, riêng đối với hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ thì ít hoặc không tái đàn. Không riêng Điện Bàn, tại hầu hết địa phương khác của tỉnh, tình trạng trên cũng diễn ra tương tự. Theo thống kê mới nhất, thời điểm này tổng đàn gia súc của Quảng Nam là 674.693 con, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mới đây, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm nông nghiệp 2017 trên phạm vi toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Các cơ quan có trách nhiệm phải khẩn trương tiến hành rà soát lại chiến lược và quy hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng điều chỉnh quy mô các con vật nuôi, đảm bảo tiêu thụ kịp thời với giá có lãi cho người chăn nuôi”.
TƯ RUỘNG