Nhọc nhằn ươm lại giống cây trồng
Tuần rồi, lên huyện Đại Lộc tìm hiểu tình hình triển khai sản xuất các loại cây trồng cạn vụ đông xuân, Tư tôi tranh thủ ghé thăm gia đình anh Chín Đại An. Vừa tới đầu ngõ đã thấy vợ chồng anh lom khom trộn phân chuồng hoai mục, phân lân, thuốc trừ nấm, tro trấu… vào đống đất bột to đùng trên khu vườn nhà vừa phủ một lớp bùn non đã khô cứng. Nghe Tư tôi hỏi trộn mấy thứ đó lại để làm gì, anh Chín nói: “Chu choa, khổ lắm chú mi ơi. Cách đây hơn 1 tháng, tui đã lo chuẩn bị cây giống cho vụ ớt đông xuân 2017 - 2018. Nào ngờ lũ ập tới khiến tất cả bị hư thối hết, giờ phải nhọc nhằn gieo ươm lại để tổ chức canh tác chứ chẳng lẽ bỏ ruộng hoang”.
Động viên anh Chín Đại An vài lời, dạo quanh các làng rau ở Đại Lộc, Tư tôi cũng nghe rất nhiều nông dân than phiền về chuyện mưa lũ làm hư hại các loại cây giống mà họ đã gieo ươm để triển khai sản xuất vụ đông xuân 2017 - 2018. Để nắm kỹ tình hình, Tư tôi tìm gặp ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc. Ông Mẫn cho biết, trong cơn lũ lớn xảy ra hồi đầu tháng 11, tại các xã Đại An, Đại Nghĩa, Đại Cường và thị trấn Ái Nghĩa có không dưới 500 nghìn cây con giống gồm ớt, khổ qua, bí đao, dưa leo, đu đủ… nhà nông gieo ươm trong khay, bầu nhằm chuẩn bị trồng trên 30ha đất màu đều bị ngập úng, hư thối hết. “Những ngày qua, hàng trăm hộ dân ở các địa phương vừa nêu đã phải bỏ ra hơn 300 triệu đồng mua hạt giống, phân bón, một số loại vật tư và thuê thêm nhân công gieo ươm lại để có cây con phục vụ việc sản xuất số diện tích đất màu đó. Sau thiên tai, cuộc sống của phần lớn người dân gặp không ít khó khăn, nay họ lại phải tốn thêm khoản tiền khôi phục sản xuất nên càng vất vả hơn” – ông Mẫn nói.
TƯ RUỘNG