Quýnh chân vì... chủ quan với dịch
- Chớ anh Ba đi đâu mà vội vã rứa?
- Tui chạy xuống trung tâm huyện có việc gấp.
- Chuyện chi có vẻ nghiêm trọng rứa ông anh?
- Dịch lở mồm long móng đã bùng phát ở quê tui, giờ phải xuống nhờ Trạm Chăn nuôi - thú y Duy Xuyên bán hoặc hỗ trợ vắc xin về tiêm phòng cho đàn gia súc.
- Răng lại để “nước tới chân mới nhảy” rứa anh Ba?
- Thì cũng do tui quá chủ quan...
Theo Tư tui biết, ngoài việc thả nuôi mỗi lứa 7 - 10 con heo thịt, hiện giờ vợ chồng anh Ba Đông Yên ở xã Duy Trinh (Duy Xuyên) còn nuôi 1 trâu nái và 2 bò đực lai. Những năm gần đây tại địa phương không xuất hiện dịch lở mồm long móng nên thời gian qua anh Ba không đăng ký với chính quyền cơ sở và ngành thú y về việc tiêm phòng vắc xin định kỳ mỗi năm 2 lần cho đàn gia súc của mình. Trong khi đó, anh cũng chẳng mấy quan tâm khâu vệ sinh chuồng trại, rắc vôi bột và phun hóa chất tiêu độc khử trùng. Đùng một cái, hơn nửa tháng nay vi rút gây bệnh lở mồm long móng bỗng dưng bùng phát ở quê khiến anh Ba chạy quýnh chân để bảo vệ đàn gia súc của mình. Theo thông tin Tư Ruộng nắm được, ở địa phương anh Ba Đông Yên đã có không dưới 50 con trâu, bò của nhiều hộ dân bị nhiễm bệnh lở mồm long móng, mà nguy cơ bệnh lây lan thành dịch là rất cao. Tư tui biết, anh Ba Đông Yên chạy quýnh lên vì lo, chứ chưa chắc đã có vắc xin mang về tiêm cho gia súc, vì nghe đâu muốn có loại vắc xin ấy người chăn nuôi phải đăng ký trước với ngành thú y huyện.
Không riêng đàn gia súc của huyện Duy Xuyên đang bị dịch lở mồm long móng gây hại, theo tìm hiểu của Tư tôi thì từ đầu năm 2017 đến nay vi rút gây bệnh này cũng đã tái bùng phát tại 10 địa phương gồm Đại Lộc, Hội An, Thăng Bình, Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn khiến 12 con trâu, 37 con heo, 97 con bò bị nhiễm bệnh. Thế nhưng, thời gian qua công tác tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng ở nhiều nơi vẫn cứ ì ạch. Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có tổng cộng 68.893 con trâu, 185.800 con bò, 420.000 con heo. Điều đáng nói, ngoài việc đàn heo không được tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng thì tỷ lệ đàn trâu, bò được tiêm ngừa loại vắc xin này trong 2 đợt của năm 2017 khá thấp. Cụ thể, ở tiêm phòng đợt 1, chỉ có 47% trong tổng số 254.693 con trâu, bò của 18 huyện, thị xã, thành phố được tiêm vắc xin lở mồm long móng; còn đợt 2, mặc dù kế hoạch đặt ra là triển khai thực hiện từ tháng 8 - 9 nhưng mãi đến ngày 25.10.2017, thời điểm tổng hợp số liệu lũy kế của Chi cục Chăn nuôi - thú y, trên địa bàn tỉnh chỉ có 16% tổng đàn trâu, bò được chích ngừa. Trong khi đó, UBND tỉnh yêu cầu tỷ lệ tiêm phòng tổng đàn phải đạt từ 80% trở lên để đạt tỷ lệ bảo hộ cho gia súc và duy trì mức kháng thể bảo hộ thường xuyên trong quần thể nhằm phòng bệnh tốt, giảm thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi cũng như ngân sách nhà nước do dịch bệnh gây ra.
Với tỷ lệ tiêm phòng đạt quá thấp như vừa nêu trên, không ai dám chắc thời gian tới vi rút gây bệnh lở mồm long móng không tiếp tục lây lan ra diện rộng. Và chuyện người chăn nuôi quýnh chân trước sự phát tán của mầm bệnh là hệ quả tất yếu của sự chủ quan, lơ là trong khâu phòng dịch.
TƯ RUỘNG