Đòn bẩy trong tái cơ cấu nông nghiệp

TƯ RUỘNG 10/10/2017 09:36

Cách đây vài ngày, ra thị xã Điện Bàn tìm hiểu tình hình thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Tư tôi thấy vợ chồng anh Bảy An Hà ở xã Điện Phong đang lom khom thu hoạch những ruộng bắp lai chín vàng. Nghe hỏi về hiệu quả của mô hình sản xuất, anh Bảy hồ hởi nói: “Tui có 6 sào đất màu trên khu bãi biền nằm sát con sông Thu Bồn này. Trước đây, do nguồn nước tưới quá khó khăn khiến việc gieo trồng không mang lại giá trị kinh tế cao, thậm chí nhiều vụ hè thu phải bỏ hoang toàn bộ diện tích vì nắng nóng hoành hành trên diện rộng. Đầu năm 2017, nhờ ngành nông nghiệp Điện Bàn đầu tư 300 triệu đồng xây dựng hệ thống thủy lợi tại khu vực này nên việc canh tác hơn 30ha đất màu của gia đình tui và hàng trăm hộ dân khác trong vùng diễn ra rất thuận lợi. Nói chú Tư mừng, hè thu năm nay anh trồng giống bắp lai PAC 339 trên 6 sào đất này. Ước tính bình quân mỗi sào thu về 360kg bắp khô, bán với giá 1kg là 5.500 đồng thì kiếm được xấp xỉ 2 triệu đồng/sào. Trừ chi phí thì chắc chắn sẽ lãi ròng ít nhất 1,4 triệu đồng/sào, tăng 500 nghìn đồng so với hồi trước tỉa giống đậu phụng sẻ Tây Nguyên”.

Trao đổi với Tư tôi, ông Trần Văn Chạy – Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Điện Phong cho hay, những năm qua chính quyền địa phương huy động nhiều nguồn lực tài chính để xây dựng hệ thống thủy lợi hóa đất màu. Hiện nay gần như toàn bộ 240ha đất màu của xã cơ bản đảm bảo nước tưới và nông dân đã hình thành được hàng loạt mô hình luân canh, xen canh, gối vụ những loại cây trồng cạn chủ lực như đậu phụng, bắp lai, khổ qua, đậu xanh, bắp nếp, dưa hấu, ớt, bí đao, đậu cô ve, rau bồ ngót, mồng tơi… theo phương thức hàng hóa tập trung. Ông Chạy nói: “Nhờ linh hoạt bố trí các loại hoa màu, rau đậu theo từng mùa vụ và đáp ứng nhu cầu của thị trường nên bình quân hằng năm 1ha đất màu mang lại cho nhà nông nơi đây mức thu nhập khoảng 110 - 130 triệu đồng, cá biệt có một số vùng chuyên trồng cây rau bồ ngót cho tổng giá trị 250 - 300 triệu đồng/ha/năm. Có thể khẳng định, mô hình canh tác này là đòn bẩy trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, bằng nhiều kênh vốn lồng ghép, những năm qua chính quyền thị xã đã chi không dưới 32 tỷ đồng cho khâu thủy lợi hóa đất màu. Nhờ vậy, trong tổng số 3.700ha đất màu trên địa bàn 20 xã, phường của Điện Bàn thì hiện giờ đã có gần 75% diện tích chủ động nước tưới.

Không riêng Điện Bàn, những năm qua, chính quyền nhiều địa phương khác của tỉnh cũng rất nỗ lực trong việc đầu tư thi công hệ thống thủy lợi hóa đất màu để đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Theo thống kê, chỉ tính riêng từ năm 2011 đến 2017 các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã đầu tư ít nhất 85 tỷ đồng xây dựng hơn 100 công trình thủy lợi hóa đất màu nhằm chủ động cung ứng nước tưới cho khoảng 3.200ha đất chuyên canh, xen canh, gối vụ các loại rau đậu và cây trồng cạn chủ lực. Thực hiện Nghị quyết số 205/2016/NQ-HĐND (ngày 26.4.2016) của HĐND tỉnh khóa VIII, trong vòng 3 năm tới bình quân hằng năm ngân sách tỉnh sẽ chi thêm 10 tỷ đồng cho chương trình thủy lợi hóa đất màu.

TƯ RUỘNG

TƯ RUỘNG