Cần bảo tồn giống nếp quý
Cách đây vài ngày, lên xã Quế Hiệp (Quế Sơn), Tư Ruộng tôi tìm hiểu về loại nếp đắng ở địa phương thì được biết nhiều nông dân không tiếp tục trồng loại đặc sản này. Trao đổi với Tư Ruộng, ông Nguyễn Minh Châu - Bí thư Đảng ủy xã Quế Hiệp cho biết, loại nếp đắng của địa phương có từ khi nào thì không ai xác định được. Chỉ biết rằng, khi trồng trên vùng đất này thì hạt nếp rất dẻo và thơm, người tiêu dùng cực kỳ ưa chuộng vì chế biến được nhiều loại sản phẩm ngon như rượu nếp, bánh trần, bánh xoài… Còn khi đem hạt giống tới các xã khác gieo trồng, chất lượng hạt nếp không đạt như mong muốn vì độ dẻo và thơm giảm đáng kể. Dù chưa có cơ sở khoa học nhưng ông Châu nhìn nhận theo quan điểm cá nhân rằng, sở dĩ hạt nếp đắng trồng ở Quế Hiệp có chất lượng cao là nhờ chất đất hoặc nguồn nước tưới.
Ông Trần Thanh Chung - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quế Hiệp cho hay, loại nếp đắng này chỉ sản xuất trong vụ hè thu bằng việc bắc mạ sau 20 - 30 ngày thì nhổ mạ cấy chứ không gieo sạ như quy trình canh tác lúa. Thời gian sinh trưởng của nếp là 120 ngày, cao hơn các loại giống lúa thường sử dụng ở địa phương 10 - 30 ngày. Hồi trước, toàn xã có không dưới 200 hộ dân tham gia sản xuất nếp đắng với số diện tích bình quân mỗi vụ ít nhất là 15ha. Hằng vụ một sào ruộng đạt năng suất 160kg nếp vỏ khô. Ba năm gần đây, số diện tích sản xuất loại nếp đắng mang tính đặc thù vùng miền này ngày càng bị thu hẹp tại địa bàn xã Quế Hiệp và có nguy cơ bị loại bỏ hoàn toàn trong những năm tới. Nguyên nhân là nguồn giống đã thoái hóa nghiêm trọng, tỷ lệ lẫn tạp cao, các loại sâu bệnh nguy hiểm bùng phát mạnh… làm cho năng suất đạt thấp, chất lượng hạt nếp thương phẩm giảm dần khiến nhà nông nản lòng.
Theo ông Nguyễn Minh Châu, trước tình trạng trên, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Quế Hiệp đã họp bàn và thống nhất chủ trương giao cho UBND xã nhanh chóng phối hợp cùng các ngành chức năng của huyện Quế Sơn tiến hành xây dựng đề tài khoa học - công nghệ cấp huyện năm 2018 về việc phục tráng giống nếp đắng đặc sản ở Quế Hiệp với tổng kinh phí dự kiến khoảng 170 triệu đồng. Hiện đề tài khoa học này đã hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt. “Khi phục tráng thành công, chúng tôi sẽ lập tức xúc tiến việc xây dựng thương hiệu và ưu tiên nguồn kinh phí hỗ trợ một số khâu trọng yếu cho nông dân sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nếp đắng Quế Hiệp theo phương thức hàng hóa tập trung” - ông Châu chia sẻ thêm.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Chung cho hay, vụ hè thu 2017 này chính quyền xã Quế Hiệp hỗ trợ 26 hộ dân trên địa bàn thôn Lộc Đại tổ chức sản xuất 40 sào nếp đắng địa phương với mục đích ngăn chặn nguy cơ biến mất của loại giống đặc sản ấy. Khi tham gia mô hình này, nông dân được xã hỗ trợ 100% tiền mua hạt giống, 30% tiền mua phân bón và được đội ngũ khuyến nông viên cơ sở tích cực hướng dẫn quy trình canh tác, phòng trừ dịch hại. “Qua theo dõi cho thấy, từ đầu vụ đến nay số diện tích nếp vừa nêu sinh trưởng và phát triển tốt. Theo dự kiến, cuối tháng 9 dương lịch nhà nông sẽ tiến hành thu hoạch đồng loạt và năng suất chắc chắn đạt không dưới 200kg nếp vỏ khô/sào” - ông Chung nói.
TƯ RUỘNG