Trồng dưa gang trên đất lúa
Cuối tuần rồi, Tư Ruộng tìm đến thôn Bình Hiệp của xã Bình Phục (Thăng Bình) và tình cờ thấy vợ chồng anh Tư Chánh đang lom khom thu hoạch quả trên những luống dưa gang xanh mướt. Anh Tư Chánh cho biết, gia đình anh có 4 sào ruộng lúa trên cánh đồng phía sau nhà, nhiều năm canh tác bấp bênh. Thấy tại nhiều vùng người ta khá lên nhờ trồng dưa gang trên đất lúa nên cách đây hơn 3 năm anh Tư Chánh quyết định chuyển đổi mô hình sản xuất. Theo đó, từ đầu năm 2014 đến nay, hằng năm anh chỉ gieo sạ vụ lúa đông xuân, còn vụ xuân hè và hè thu thì trồng dưa gang. Thực tế cho thấy, hướng này cho giá trị cao hơn rất nhiều so với trước đây canh tác mỗi cây lúa. Nhìn những trái dưa to dài chất thành từng đống cao ngất ở các góc ruộng, anh Tư Chánh không giấu được niềm vui: “Riêng vụ xuân hè năm nay, tui ước tính bình quân 1 sào hái được 1,6 tấn quả, bán ngay tại ruộng cho tư thương với mức giá 5 nghìn đồng/kg thì thu về 8 triệu đồng/sào. Sau khi trừ chi phí còn lại lãi ròng ít nhất 6 triệu đồng/sào, cao gấp 7 lần so với sản xuất lúa”.
Ông Nguyễn Xuân Vũ – Trưởng phòng NN&PTNT Thăng Bình cho biết, nhằm giúp nhà nông nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, 6 năm trở lại đây ngành nông nghiệp huyện cùng chính quyền các địa phương tích cực vận động và hỗ trợ nhiều khâu cho bà con nông dân chuyển một số chân đất lúa sản xuất không mang lại hiệu quả cao sang canh tác các loại cây trồng cạn, rau đậu chủ lực. Thời gian qua, người dân trên địa bàn huyện đã chuyển 50ha đất lúa sang trồng dưa gang trong vụ xuân hè, hè thu và đây được xem là một hướng đi khá thích hợp. Ông Vũ nói: “Số diện tích đất lúa chuyển đổi ấy tập trung chủ yếu ở các xã Bình Quý, Bình Dương, Bình Sa, Bình Phục, Bình Chánh, Bình Phú và thị trấn Hà Lam. Qua khảo sát tại nhiều vùng cho thấy, bình quân mỗi vụ 1ha dưa gang cho năng suất 30 - 40 tấn quả, bán sản phẩm với giá sàn 5 nghìn đồng/kg thì quy ra tổng giá trị đạt 150 - 200 triệu đồng/ha/vụ. Trong khi đó, chi phí đầu tư chỉ chiếm chừng 30%. Rõ ràng, việc trồng dưa gang trên đất lúa chuyển đổi đã giúp thu nhập của người dân tăng lên rất mạnh, qua đó thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và xây dựng thành công mô hình nông thôn mới”.
TƯ RUỘNG