Lại "cầu trời mưa xuống"...
Vợ chồng anh Ba Thạch Khê ở xã Quế Cường (Quế Sơn) có 2 sào ruộng lúa trên xứ đồng Hố Vịt. Do hạ tầng thủy lợi chưa được xây dựng đồng bộ nên hàng chục năm qua việc sản xuất gặp vô vàn khó khăn. Vụ hè thu năm 2015, anh Ba quyết định chuyển 2 sào ruộng lúa sang trồng giống bắp lai mới NK 6410 có khả năng chống chịu tốt với thời tiết khắc nghiệt. Giai đoạn đầu, chiều nào trời cũng mưa dông nên ruộng bắp nẩy mầm lên xanh mướt. Thấy vậy, anh Ba khấp khởi mừng và hy vọng sẽ có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Thế nhưng, khi cây bắp được hơn 1 tháng tuổi thì nắng nóng dữ dội kéo dài nhiều đợt, bắp non bị khô héo hàng loạt và cứ thế chết lụi dần. Không nản lòng, hè thu năm 2016 anh Ba tìm mua hom sắn KM94 về trồng trên 2 sào đất lúa ấy. Mấy tháng đầu, thấy ruộng sắn sinh trưởng và phát triển mạnh, anh hết sức phấn khởi. Tuy nhiên, tới cuối tháng 8 dương lịch, khi cây sắn đang trong giai đoạn cho củ non thì những đợt mưa lớn liên tục xuất hiện khiến ruộng sắn bị ngập úng nặng, dẫn đến củ non bị hư thối hết. Thất bại 2 vụ liên tiếp, hè thu 2017 anh Ba chẳng còn mặn mà với chuyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những ruộng lúa không chủ động nước tưới đó.
Ông Nguyễn Mãi - Phó ban Nông nghiệp xã Quế Cường cho biết, lâu nay vụ hè thu nào tại địa phương cũng có ít nhất 240 sào đất lúa không thể sản xuất được, nguyên nhân là hệ thống đập dâng, trạm bơm điện, kênh mương không được đầu tư thi công bài bản. Mấy năm gần đây, nông dân Quế Cường đã thử chuyển một số diện tích sang canh tác những loại cây trồng cạn chủ lực có sức chịu hạn tốt như bắp lai, đậu phụng, mè, sắn và thậm chí cả cây keo lai nhưng thực tế cho thấy phương thức này không mang lại hiệu quả. Theo tìm hiểu của Tư tôi, sở dĩ việc chuyển đổi thất bại là vì vụ hè thu nắng nóng quá khốc liệt nên hầu hết loại hoa màu không thể sống nổi. Trong khi đó, phần lớn những chân ruộng thuộc diện chuyển đổi đều nằm ở các khu vực trũng thấp, mưa lớn kéo dài thường xảy ra tình trạng úng thủy nghiêm trọng, dẫn đến cây trồng bị hư thối và chết hàng loạt, không loại trừ cây keo lai.
Trao đổi với Tư Ruộng vào cuối tuần qua, ông Lê Hữu Châu - Phó phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, hiện nay trên địa bàn 14 xã, thị trấn của huyện có tổng cộng 3.750ha đất lúa. Tuy nhiên, do nguồn nước tưới quá khó khăn nên vụ hè thu năm nay địa phương chỉ đưa vào sản xuất 3.000ha, còn lại 750ha không thể gieo sạ lúa được, số diện tích này tập trung chủ yếu tại các xã Quế Cường, Phú Thọ, Quế Thuận, Quế Châu, Quế Hiệp, Quế Phong, Quế An, Quế Minh… Ông Châu nói: “Trong số 750ha đất lúa không chủ động tưới vừa nêu thì ngành nông nghiệp huyện và chính quyền các địa phương đang cố gắng vận động, giúp đỡ nhà nông chuyển khoảng 200ha sang canh tác bắp lai, sắn, đậu phụng, mè, khoai lang. Còn lại 550ha nhiều khả năng phải bỏ hoang vì nếu có chuyển đổi cũng sẽ thất bại vì một số nguyên nhân khách quan”.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất hè thu 2017 do Sở NN&PTNT tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, các đơn vị liên quan cần tích cực hỗ trợ nông dân chuyển những chân ruộng lúa quá khó khăn về nguồn nước tưới sang canh tác một số loại cây trồng cạn chủ lực. Tuy nhiên, việc thực hiện khâu này phải tính toán hết sức kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với điều kiện sản xuất ở từng vùng và mang lại hiệu quả kinh tế chứ không nên triển khai theo kiểu… chạy theo diện tích.
TƯ RUỘNG