Khó khăn trước mùa vụ mới

TƯ RUỘNG 22/11/2016 09:21

Đông xuân sắp tới, vợ chồng anh Ba Cẩm Phú ở xã Điện Phong (Điện Bàn) sẽ triển khai sản xuất 9 sào ruộng bằng giống lúa thuần HT1. Số diện tích vừa nêu đồng loạt gieo sạ vào cuối tháng 12 dương lịch. Anh Ba nói: “Nghe theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, tui đang khẩn trương sửa chữa chiếc máy bông sen để nhanh chóng bắt tay vào việc cày phơi ải đất nhằm chủ động cắt đứt cầu nối sâu bệnh chuyển vụ. Tuy nhiên, do từ cuối tháng 8 tới nay chẳng xuất hiện trận lụt nào nên gốc rạ không bị hoai mục dẫn đến lúa nách mọc um tùm trên cả 9 sào ruộng. Chú Tư mi thấy đó, hàng loạt cây lúa nách giờ đã cao quá đầu gối, hầu hết đều trổ đòng, ngậm sữa, đóng hạt chắc và chín. Vụ hè thu vừa rồi tui sử dụng giống lúa PC6 sản xuất 9 sào ruộng này, còn đông xuân đến thì dùng giống lúa trung ngày HT1 gieo sạ. Vì thế, nếu trước khi cày phơi ải không tiến hành triệt tiêu lúa nách thì chắc chắn mùa tới ruộng lúa sẽ bị lẫn tạp nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa và năng suất đạt thấp là điều khó tránh khỏi. Bây giờ, nếu thuê nhân công cắt bỏ số diện tích lúa nách này thì sẽ tốn ít nhất 630 nghìn đồng. Do vậy, dù rất mệt mỏi nhưng tui phải tự mình xử lý tình trạng ấy để tiết kiệm chi phí đầu tư, bởi sản xuất lúa đâu có lời lãi mấy”.

Về xã Quế Xuân 1 của huyện Quế Sơn, Tư Ruộng tôi lại nghe nhà nông than phiền trước những khó khăn khi chuẩn bị bước vào vụ mùa mới. Dẫn Tư tôi lội quanh khu ruộng biền Mông Lãnh đang bị bèo phủ kín, ông Phan Hiệp ở thôn Trung Vĩnh lắc đầu: “Gia đình tui có 2 thửa ruộng với tổng diện tích 600 mét vuông tại khu biền này, vụ đông xuân 2016 - 2017 sắp tới nhiều khả năng sẽ phải bỏ hoang vì hiện giờ toàn bộ mặt ruộng đều bị bèo án ngữ với một lớp dày cộm, không có sức mô dọn cho nổi. Mà nếu có bỏ tiền ra thuê nhân công cùng mình xử lý thì cũng rất khó, vì ruộng của tui nằm giữa biền, cái bờ chỉ rộng chừng gang tay, xung quanh là ruộng của người khác, biết lôi bèo lên chất chỗ nào. Trong khi đó, việc sử dụng thuốc khai hoang phun cho bèo chết khô là chuyện không nên làm, bởi sẽ gây ô nhiễm môi trường trầm trọng và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cộng đồng. Còn nếu cứ ngồi đợi có lụt để đẩy bèo đi thì biết đến bao giờ. Ông bà ta thường nói, 23.10 âm lịch không lụt nhỏ thì cũng lụt to, vậy nhưng mấy ngày nay trời nắng chang chang...”.

Trao đổi với Tư tôi, ông Lê Thành Tân - Trưởng thôn Trung Vĩnh cho biết, cách đây hơn nửa tháng do mưa to kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng lớn đã đẩy bèo trên các nhánh sông tấp hết vào khu biền Mông Lãnh thuộc địa phận 2 thôn Trung Vĩnh và Phù Sa của xã Quế Xuân 1. Hiện nay trên khu biền này có ít nhất 75 sào đất canh tác lúa bị bèo phủ kín với độ dày không dưới 40cm, trong đó nhiều diện tích đứng trước nguy cơ phải bỏ hoang.

TƯ RUỘNG

TƯ RUỘNG