Mùa sen thất bát

TƯ RUỘNG 27/09/2016 08:36

Cuối tuần rồi, ra vùng đông Quế Sơn tìm hiểu tình hình sản xuất nông nghiệp, tình cờ gặp lại anh Phan Văn Công ở thôn Trung Vĩnh thuộc xã Quế Xuân 1, Tư tôi liền hỏi: “Chứ đầm sen ngoài biền Mông Lãnh đã thu hoạch xong chưa mà gần 9 giờ sáng ông anh còn ngồi nhấm nháp cà phê vậy?  “Vừa kết thúc, nhưng không ra chi, tất cả cũng vì lũ chuột…” - anh Công cho biết.

Làm vài sào ruộng chỉ đủ gạo ăn nên cách đây vài năm vợ chồng anh Phan Văn Công cùng 4 hộ dân khác trong làng rủ nhau ra UBND xã Quế Xuân 1 xin thuê 15ha đất thường xuyên bị ngập úng nặng trên biền Mông Lãnh để trồng sen lấy hạt theo hướng chuyên canh. Anh cho biết, vụ sen năm ngoái, từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 9, nhóm hộ của anh thu về ít nhất 20 tấn hạt sen tươi. Bán ngay tại nhà cho tư thương với giá 1kg là 25 nghìn đồng thì thu được không dưới 500 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, còn lại lãi ròng 325 triệu đồng. Mùa sen năm nay, nhóm hộ của anh Công tiếp tục sản xuất 15ha đất trên biền Mông Lãnh. Từ đầu đến giữa vụ thấy đầm sen phát triển tốt, trổ rất nhiều bông nhưng khi hạt của hầu hết đài sen chưa già thì bỗng dưng chuột ào ạt xuất hiện và xé rách hàng loạt đài, nhai nát hạt.

Anh Công nói: “Chú mi biết không, sở dĩ lũ chuột đồng hoành hành dữ dội trong mấy tháng nay là do bèo án ngữ quá nhiều trên biền Mông Lãnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho chuột sinh sôi nẩy nở rồi gây hại nghiêm trọng đầm sen. Trong tổng số 15ha sen thì có 8ha nằm về phía thôn Phù Sa bị chuột tấn công khủng khiếp nên đành bỏ luôn, không thu hoạch đài, nghĩa là mất trắng; còn lại 7ha thuộc địa bàn thôn Trung Vĩnh thì năng suất tụt giảm mạnh. Nếu mùa sen năm ngoái chúng tôi thu được 20 tấn hạt từ ngần ấy diện tích thì vụ sen năm 2016 này chỉ thu về không quá 5 tấn hạt. Với mức sản lượng đó, quy ra giá trị đạt khoảng 125 triệu đồng, không đủ bù lại chi phí đầu tư và trả công thu hái đài, tách hạt, tiền thuê đất chứ nói gì đến chuyện lời lãi. Suốt nhiều tháng trời cả nhóm lội dầm ngoài đầm sen, da thịt khắp người bị cứa rách nhưng cuối cùng phải ôm nỗi thất bại thì hỏi sao mà không xót lòng”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó ban Nông nghiệp xã Duy Sơn (Duy Xuyên) cho biết, vụ này nông dân địa phương trồng tổng cộng 640 sào sen chuyên canh, tập trung chủ yếu trên đầm Trà Lý thuộc thôn Chánh Lộc. Theo ông Thịnh, do một số diện tích sen nằm ven các khu vực bìa rừng, gò đồi bị chuột cắn phá đài và nhai hạt nên năng suất đạt không cao, bình quân mỗi sào chỉ thu chừng 100kg hạt tươi. Đâu chỉ vậy, giá bán sản phẩm cũng biến động theo chiều hướng không có lợi cho nhà nông. Hồi đầu mùa thu hoạch, 1kg hạt sen tươi trên thị trường có giá 28 nghìn đồng nhưng khi người dân bẻ rộ đài thì giảm xuống 20 nghìn đồng/kg.

Còn ông Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang (Điện Bàn) thì cho hay, 2 năm trở lại đây gia đình ông thuê của đơn vị 1ha mặt nước trên Bàu Khế thuộc thôn Bảo An Đông để trồng sen với số tiền phải trả cho hợp tác xã mỗi năm là 15 triệu đồng. Với ngần đó diện tích, năm trước ông Thành thu về 2 tấn hạt sen tươi, bán được 60 triệu đồng. Thế nhưng, năm 2016 này ông chỉ thu về 1,5 tấn hạt, bán được 45 triệu đồng. Ông Thành nói: “Nguyên nhân chính khiến năng suất sen năm nay giảm mạnh so với năm ngoái là vì khi đầm sen nở và thụ phấn rộ thì gặp trời nắng nóng kéo dài, nhiệt độ hơn 35 độ C làm đài sen có tỷ lệ hạt lép rất cao”.

Lúa hè thu thắng lớn nhưng mùa sen lại thất bát, vì thế niềm vui của nhà nông ở nhiều nơi đã không trọn vẹn.

TƯ RUỘNG

TƯ RUỘNG