Cảnh giác với sâu bệnh

TƯ RUỘNG 09/08/2016 11:31

Cuối tuần rồi, lên huyện Quế Sơn tìm hiểu tình hình sản xuất vụ lúa hè thu, Tư tôi tình cờ thấy anh Ba Phú Cường ở xã Quế Cường mang bình bơm và cầm mấy chai thuốc trừ sâu đi như chạy ra đồng. Anh cho biết 10 ngày trở lại đây đứng ngồi không yên. Lúa đang bước vào giai đoạn trổ đòng nhưng rầy hoành hành dữ quá, nếu không khẩn trương dùng thuốc đặc hiệu phun trừ thì mất mùa là điều khó tránh khỏi…

Nhà nông cần kiểm tra chặt chẽ đồng ruộng để chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Ảnh: TƯ RUỘNG
Nhà nông cần kiểm tra chặt chẽ đồng ruộng để chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Ảnh: TƯ RUỘNG

Dẫn Tư tôi lội quanh mấy đám lúa vàng chái, anh Ba Phú Cường cho biết, hè thu năm nay vợ chồng anh gieo sạ 4 sào ruộng bằng loại giống OM 4900. Hơn 2 tháng qua, nhờ nguồn nước tưới không thiếu hụt nên số diện tích lúa đó sinh trưởng và phát triển rất tốt. Tuy nhiên, từ cuối tháng 7 dương lịch đến giờ chẳng biết sao mà rầy nâu và rầy lưng trắng xuất hiện càng lúc càng nhiều. Dù cách đây một tuần anh Ba mua thuốc đặc hiệu về xịt khá kỹ nhưng thời điểm này mật độ rầy trên ruộng vẫn rất cao, bình quân một mét vuông có không dưới một nghìn con và hiện tượng lúa cháy chòm từng vạt đã xảy ra. Anh nói: “Chú Tư thấy đó, cả 4 sào lúa của tui đều đang trong thời kỳ làm đòng - trổ bông, nếu những ngày tới không bám sát đồng ruộng để chủ động triển khai các biện pháp mạnh nhằm nhanh chóng khống chế và dập tắt hai loại rầy cực kỳ nguy hiểm ấy thì chắc chắn mùa màng sẽ thất bát, thậm chí là mất trắng chứ chẳng phải nói chơi đâu. Vụ đông xuân vừa qua, khi ruộng lúa đồng loạt trổ đòng - phơi màu thì gặp trời mưa lạnh kéo dài và sâu bệnh gây hại trên diện rộng khiến sản lượng tụt giảm ít nhất 35% so với những năm trước. Mùa này, nếu năng suất lại đạt thấp thì sẽ khổ bội phần”.

Trao đổi với Tư tôi, ông Lê Hữu Châu – Phó phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, hè thu năm nay nông dân trên địa bàn canh tác hơn 2.980ha lúa, hiện giờ tất cả trong giai đoạn làm đòng và trổ rộ. Thế nhưng, khoảng 2 tuần trở lại đây tại rất nhiều nơi đã có 1.000ha lúa bị rầy nâu và rầy lưng trắng gây hại rải rác. Trong đó, một số diện tích ở xã Quế Cường mật độ rầy xuất hiện trên ruộng hơn 1 nghìn con/m2. Theo tìm hiểu, ngoài hai loại rầy vừa nêu thì những ngày qua toàn huyện Quế Sơn cũng có 100ha lúa khác bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, tập trung chủ yếu tại các xã Quế Xuân 2, Quế Thuận, Quế Minh. Ông Châu nói: “Trước tình hình trên, lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện vừa triệu tập cuộc họp khẩn với những đơn vị liên quan, chính quyền các địa phương để triển khai cấp bách nhiều biện pháp phòng trừ sâu bệnh. Riêng đối với rầy nâu và rầy lưng trắng, chúng tôi yêu cầu đội ngũ cán bộ kỹ thuật cấp huyện tích cực phối hợp với lực lượng khuyến nông viên cơ sở hướng dẫn bà con nông dân sử dụng loại thuốc đặc hiệu có nhãn hiệu Chess để phun phòng cho cây lúa trên phạm vi rộng nhằm tiêu diệt trứng rầy, không cho rầy nở rồi bùng phát thành dịch”.

Theo ngành nông nghiệp, thời điểm này, ban ngày trời nắng nóng với nền nhiệt khá cao, chiều tối lại có mưa rải rác nên tạo điều kiện rất thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát sinh và gây hại. Những đồng lúa trên địa bàn tỉnh đang làm đòng và trổ rộ, đây là thời kỳ quyết định nhất đến sự thành bại của vụ mùa. Vì vậy, các cơ quan có trách nhiệm và nông dân phải thường xuyên kiểm tra những chân ruộng để kịp thời đưa ra giải pháp đối phó với sâu bệnh một cách hiệu quả nhất.

TƯ RUỘNG

TƯ RUỘNG