Nghịch lý chuyện nước tưới

TƯ RUỘNG 02/08/2016 08:36

Cuối tuần rồi, trên đường lên trung tâm hành chính huyện Hiệp Đức, Tư tôi tình cờ gặp lại anh Tám Hương Phố ở xã Bình Lâm.

Trưa đứng bóng, dẫn Tư tôi lội quanh 4 sào ruộng khô nứt nẻ, anh Tám Hương Phố nói: “Mặc dù diện tích đất lúa này chỉ cách hồ chứa Việt An chừng 2 cây số nhưng do hạ tầng thủy lợi chưa được quan tâm đầu tư xây dựng khiến việc canh tác gặp rất nhiều khó khăn bởi nước tưới không chủ động. Chú mi biết không, hàng chục năm qua, vụ đông xuân nhờ trời thường có mưa nên người dân làng tui triển khai gieo sạ được và bình quân mỗi sào thu về khoảng 230 - 250kg lúa khô. Còn hè thu, vì nắng nóng liên tục hoành hành trên diện rộng nên ruộng đồng nơi đây phần lớn phải chịu cảnh bỏ hoang”. Nghe Tư tôi hỏi sao không chuyển 4 sào đất lúa ấy sang trồng các loại hoa màu có sức chịu hạn tốt để kiếm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống gia đình thì anh Tám lắc đầu: “Chu choa, lâu nay tui cũng đã không ít lần trồng bắp lai, tỉa đậu phụng, gieo mè đen trên số diện tích ni nhưng tất cả đều thất bại, chú em ơi. Những năm gần đây, từ cuối tháng 4 cho tới giữa tháng 9 dương lịch, nắng nóng quá dữ dội, đến cây cỏ cú còn không sống nổi thì nói chi 3 loại cây trồng đó”.

Chia tay anh Tám Hương Phố, cưỡi xe chạy một đoạn thì Tư tôi thấy chị Bảy Ngọc Lâm khoanh tay đứng nhìn mấy đám lúa non đang sống vất vưởng. Vừa nghe hỏi chuyện mùa màng, chị Bảy liền thở dài: “Khổ lắm, chú Tư ơi. Do nước tưới rất bấp bênh nên mấy chục năm qua vụ hè thu nào gia đình tui và nhiều hộ dân khác trong vùng cũng sản xuất lúa theo cái kiểu đánh bạc với trời. Hồi giữa tháng 5, thấy nước của các khe suối và ao hồ nhỏ chưa cạn kiệt, trời lại có mưa rải rác nên vợ chồng tui khẩn trương làm đất rồi tiến hành xuống giống 3 sào lúa này. Giai đoạn đầu, thấy cây mạ lên xanh và đẻ nhánh khỏe, tui khấp khởi mừng. Nào ngờ, 3 tuần trở lại đây nắng hạn quá khốc liệt khiến đồng ruộng nứt toác, cây lúa đang trong thời kỳ đứng cái – làm đòng bị khô héo dần. Nếu vài ngày nữa mưa không xuất hiện thì nhiều khả năng sẽ mất trắng vụ lúa hè thu 2016”.

Trao đổi với Tư Ruộng, ông Trần Đoàn Minh Hiệp – Chủ tịch UBND xã Bình Lâm cho biết, địa phương có tổng cộng 288ha đất canh tác lúa. Tuy nhiên, hè thu năm nay nông dân trên địa bàn chỉ gieo sạ 189ha, còn lại 99ha không thể sản xuất được. Theo ông Hiệp, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là hệ thống kênh mương của xã chưa thi công đồng bộ nên nhiều chân đất lúa ở các thôn Hương Phố, Ngọc Lâm, Lộc An, Ngọc Sơn không nhận được nguồn nước tưới từ hồ chứa Việt An, dù rằng khoảng cách giữa những cánh đồng bị bỏ hoang với công trình thủy lợi trọng yếu đó chẳng xa mấy. Cần nói thêm, trong số 189ha đất lúa đã xuống giống cách đây hơn 2 tháng thì hiện nay có ít nhất 30ha đang bị khô hạn nặng, tập trung chủ yếu tại thôn Ngọc Sơn và Ngọc Lâm. Nếu thời tiết cứ diễn biến phức tạp như thời gian qua thì số diện tích vừa nêu sẽ đứng trước nguy cơ mất mùa trầm trọng.

Nằm sát hồ chứa Việt An có dung tích khá lớn nhưng đồng ruộng vẫn bị thiếu nước tưới, chuyện nghịch lý này không biết đến khi nào mới chấm dứt ở xã Bình Lâm?

TƯ RUỘNG

TƯ RUỘNG