Cây bắp trên ruộng hoang

TƯ RUỘNG 05/07/2016 09:13

Qua khỏi đèo Le, chạy hơn 2 cây số thì Tư tôi thấy anh Bảy Tân Phong ở xã Quế Lộc (Nông Sơn) bưng mủng phân urê và kali đi trên đường bê tông. Lạ! Mười mấy năm nay Tư tôi theo dõi mảng nông nghiệp nên biết rất rõ vùng này vụ hè thu đất ruộng phải bỏ hoang vì thiếu nước tưới, bèn hỏi:

- Bưng phân đi mô rứa anh Bảy, năm nay có nước làm lúa hè thu rồi à?

- Không phải lúa, bắp lai VS36 đó chú Tư.

- Tình hình có khả quan không, anh?

- Rất triển vọng!...

Cũng như nhiều hộ khác trong vùng, lâu nay, 4 sào đất lúa của vợ chồng anh Bảy chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước tưới từ đập tràn Mương Máng. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, cứ từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 9 dương lịch là con đập này bị cạn kiệt nên họ chỉ sản xuất vụ đông xuân, còn hè thu phải chấp nhận bỏ ruộng hoang. Cách đây hơn một tháng, nhờ sự tiếp sức từ nhiều phía, anh Bảy chuyển toàn bộ diện tích đất lúa sang trồng giống bắp lai mới VS36 có khả năng chống chịu khô hạn tốt.

Dẫn Tư tôi lội quanh mấy đám bắp non xanh mướt, người đàn ông 52 tuổi ấy không giấu được niềm vui: “Nhờ hạt giống chất lượng cao, ứng dụng bài bản quy trình kỹ thuật do cơ quan chuyên môn hướng dẫn, đặc biệt là thời gian qua trời hay có mưa dông vào buổi chiều nên cả 4 sào bắp của tui đều sinh trưởng khá, không bị các loại sâu bệnh nguy hiểm gây hại. Bây giờ, cây bắp đã ra được 5 - 7 lá, nếu tình hình vẫn thuận lợi như giai đoạn đầu này, chừng 2 tháng nữa tui sẽ thu hoạch. Hy vọng vụ hè thu năm nay có nguồn thu nhập tương đối để trang trải cuộc sống”.

Trao đổi với Tư Ruộng, ông Trần Văn Lưu - Trưởng trạm Khuyến nông & khuyến ngư huyện Nông Sơn cho biết, trên cánh đồng Huê và Chu La ở Quế Lộc có 200 sào đất lúa thường phải bỏ hoang hoặc sản xuất kém hiệu quả trong vụ hè thu do nguồn nước tưới hết sức bấp bênh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ấy là vào mùa hè đập tràn Mương Máng luôn bị trơ đáy vì các khe suối khô kiệt, trong khi đó hệ thống kênh mương nội đồng lại chưa được quan tâm đầu tư xây dựng cho đồng bộ. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, đầu vụ hè thu 2016 Trung tâm Khuyến nông tỉnh cùng Trạm Khuyến nông & khuyến ngư huyện Nông Sơn hỗ trợ 70 hộ dân chuyển toàn bộ số diện tích đất lúa không chủ động nước tưới trên sang trồng giống bắp lai mới VS36. Ông Lưu nói: “Ngoài việc được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác, các hộ dân này còn được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí để mua một máy rạch hàng, gieo hạt, bón phân và 30% tiền mua các loại phân bón. Nhà nông cũng được cấp miễn phí hạt giống bắp chất lượng với mức 1kg/sào. Hiện nay các ruộng bắp lai của mô hình chuyển đổi đang phát triển rất tốt. Dự kiến khoảng đầu tháng 9 tới nông dân đồng loạt bẻ trái và nhiều khả năng mỗi sào thu được ít nhất 300kg bắp khô. Nếu bắp khô giữ được giá 6.500 đồng/kg, mỗi sào có thể thu xấp xỉ 2 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí cho khâu làm đất, mua hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chỉ gần 800 nghìn đồng”.

Theo tìm hiểu của Tư Ruộng, hiện nay trên địa bàn 7 xã của huyện miền núi Nông Sơn có tổng cộng 1.123ha đất canh tác lúa, trong đó khoảng 40% diện tích không chủ động nước tưới nên thường mang lại hiệu quả kinh tế thấp, nhất là trong vụ hè thu. Ông Trần Văn Lưu cho rằng, biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, vì vậy việc chuyển những chân đất lúa hay bị khô hạn nặng sang trồng bắp lai là một hướng đi đúng. Bởi, nhu cầu về nguồn nước tưới của cây bắp chỉ bằng 30% so với cây lúa… Nếu mô hình trồng bắp lai trên đất lúa ở quê anh Bảy Tân Phong thành công lớn, những năm tới ngành nông nghiệp huyện cùng chính quyền các địa phương sẽ tập trung thực hiện khâu quy hoạch để nhanh chóng nhân ra diện rộng.

TƯ RUỘNG

TƯ RUỘNG