Khi nông dân "tự bảo vệ"

TƯ RUỘNG 26/04/2016 08:10

Cuối tuần rồi, ra thị xã Điện Bàn tìm hiểu tình hình sản xuất rau quả, nghe anh Ba Khúc Lũy ở xã Điện Minh nói chuyện mà Tư tôi giật mình. Gia đình anh có 3.000m2 đất màu, lâu nay chủ yếu chuyên canh 2 loại rau chính là cải bẹ và mồng tơi. Trong số diện tích đó, anh dành khoảng 60m2 để canh tác phục vụ cho những bữa ăn của nhà mình, còn lại phần lớn là trồng để cắt bán sản phẩm cho các thương lái đến thu mua tại ruộng. Anh Ba nói: “Chú Tư mi biết không, cải bẹ và mồng tơi thường bị bọ nhảy, sâu khoang, sâu tơ, sâu đục nõn, ruồi đục lá, bệnh chết cây con, thối nhũn, sương mai, đốm lá, đốm mắt cua… gây hại nên lứa nào tui cũng phun rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Sở dĩ tui phải liên tục phun thuốc là để khống chế, dập tắt những loại sâu bệnh nguy hiểm đó, giúp cho cây rau sinh trưởng và phát triển tốt nhằm thu được sản lượng cao. Hơn nữa, tâm lý của người tiêu dùng là hay chọn mua những bó rau xanh mơn mởn, lá không bị sâu đục. Mà cũng nói thiệt với chú em, theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn thì sau khi phun thuốc phải cách ly 10 - 15 ngày mới tiến hành thu hoạch rau nhưng vì nhiều thời điểm thương lái hối thúc quá nên tui cách ly khoảng 4 - 5 ngày là phải cắt bán cho họ chở đi khắp nơi tiêu thụ”. Theo quan sát của Tư tôi, do được phun thuốc nhiều nên những ruộng rau mà anh Ba Khúc Lũy sản xuất để bán ra thị trường không hề bị nhiễm sâu bệnh, lá xanh mướt. Còn vạt rau nhỏ anh trồng để ăn vì không xịt thuốc lần nào nên có một số loài sâu bu bám, lá xù xì và bị lủng nhiều chỗ, trông chẳng bắt mắt tí nào. Thấy Tư tôi chăm chú nhìn, anh Ba vỗ vai: “Vạt rau mình trồng để cắt ăn hằng ngày dù nó hơi xấu xí nhưng đem về nhà chịu khó lặt kỹ là được thôi. Cái vấn đề chính ở đây là nó không có thuốc, thực sự sạch nên mình rất yên tâm”.

Hôm qua, lội trên cánh đồng rộng mênh mông của xã Quế Phú thuộc huyện Quế Sơn, Tư tôi thấy vợ chồng anh Năm Trà Đình đang hối hả thu hoạch lúa đông xuân. Anh Năm cho biết, gia đình anh có tổng cộng 7 sào đất canh tác lúa. Lâu nay, với chừng đó diện tích, sau mỗi vụ thu hoạch anh thường bán 5 sào lấy tiền trang trải cuộc sống và lo chuyện học hành của con cái, còn 2 sào trữ lại để xay gạo nấu cơm ăn. Anh Năm bảo, thời gian gần đây do nguồn lương thực và thực phẩm không đảm bảo chất lượng nên bệnh tật ngày càng nhiều khiến anh rất sợ. Vì thế, đông xuân năm nay anh quyết định sản xuất lúa theo 2 quy trình, một để bán và một để ăn. Anh Năm Trà Đình nói: “Vụ ni sâu bệnh hoành hành dữ quá chú mi ơi, lo sợ sản lượng mất nhiều nên từ đầu đến cuối vụ tui mua thuốc đặc hiệu về phun cả 6 - 7 lần trên 5 sào ruộng mà mình dự kiến sau khi gặt sẽ bán lúa ra thị trường. Còn riêng 2 sào ruộng tui làm lấy lúa để dành xay gạo ăn thì kiên quyết không phun thuốc”.

Câu chuyện Tư tôi vừa kể cho thấy nhà nông bây giờ đã “cực đoan” trong việc sản xuất các loại nông sản nhưng đấy là sự thật ngày càng phổ biến không riêng gì ở xứ Quảng này. Khi nào người nông dân còn cố chạy theo sản lượng mà không quan tâm mấy đến chất lượng sản phẩm và sức khỏe của người tiêu dùng thì vấn đề vệ sinh an toàn lương thực, thực phẩm sẽ vẫn là vấn đề rất đáng quan ngại.

TƯ RUỘNG

TƯ RUỘNG