Nuôi bò đàn dưới tán rừng
Đang chạy ngon trớn, thấy Tư Ruộng ngồi uống nước mía bên vệ đường, anh Hai Tứ Nhũ ở xã Quế Lâm, Nông Sơn liền thắng xe cái kít. Anh bảo, lâu ngày mới gặp lại nhau nên mời Tư tôi về nhà ăn bữa cơm trưa rồi hàn huyên tâm sự. Đúng là quá lâu không ghé lại, Tư tôi ngạc nhiên bởi anh Hai đã xây dựng nhà cửa khang trang. Anh cho biết khoảng 10 năm trở lại đây, nhờ sản xuất kết hợp giữa trồng keo và nuôi bò nên cuộc sống của gia đình khấm khá.
Anh kể, sau khi trồng 12ha keo nguyên liệu giấy được 30 tháng tuổi, đầu năm 2006 anh dồn hết số tiền tích góp bấy lâu mua 10 con bò con và bò choai về thả nuôi thịt dưới tán rừng. Từ đó đến nay bình quân hàng năm anh khai thác bán ra thị trường 3ha keo lai, thu về ít nhất 180 triệu đồng. Bên cạnh đó, mỗi năm anh xuất chuồng 5 con bò thịt và kiếm được không dưới 70 triệu đồng. Cứ khai thác lứa keo này thì lập tức phát dọn thực bì rồi trồng lại lứa keo khác. Tương tự, bán lứa bò này thì nhanh chóng mua lại lứa bò khác nuôi giâm. Xoay vòng như vậy nên năm nào gia đình anh Hai cũng có nguồn thu nhập khá cao từ mô hình trồng rừng kinh tế theo hướng tập trung kết hợp với chăn nuôi bò đàn theo phương thức hàng hóa. “Hồi trước, bám riết với mấy sào ruộng nhưng do nước tưới quá bấp bênh, các loại sâu bệnh nguy hiểm cứ gây hại nên vụ lúa nào cũng cho năng suất thấp. Mùa màng liên tục thất bát, đủ gạo đổ nồi là quý lắm rồi chứ mong chi có của dư của để. Cũng may, nhờ dốc mọi nguồn lực đầu tư xây dựng mô hình này mà cuộc sống thay đổi hẳn. Bây giờ, nhà cửa của tui đã khang trang, con cái đứa nào cũng học hành đàng hoàng” - anh nói.
Trao đổi với Tư Ruộng vào cuối tuần qua, ông Trần Thiện Thắng – Trưởng phòng NN&PTNT Nông Sơn cho biết, hiện nay trên địa bàn 7 xã của huyện có gần 6.300ha đất lâm nghiệp chuyên trồng cây keo nguyên liệu giấy và tổng đàn bò ước khoảng 3.400 con. Theo ông Thắng, những năm gần đây nhờ được tiếp cận nhiều kênh vốn ưu đãi nên nông dân địa phương có điều kiện đầu tư phát triển mạnh mô hình trồng rừng kinh tế kết hợp với chăn nuôi bò đàn. Ông Thắng nói: “Qua khảo sát tại nhiều nơi thì tính đến nay toàn huyện đã hình thành được 100 mô hình nuôi bò đàn dưới tán rừng keo với quy mô vừa và lớn. Hàng năm, bình quân mỗi mô hình mang lại cho nhà nông mức thu nhập 170 - 350 triệu đồng. Đây được xem là lối mở trong sản xuất nông - lâm kết hợp, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển và là động lực quan trọng để Nông Sơn thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”.
TƯ RUỘNG