Hiệu quả từ mô hình xen canh trên đất lúa

19/01/2016 08:41

Cuối tuần rồi, lên huyện miền núi Nông Sơn tìm hiểu tình hình sản xuất vụ đông xuân 2015 - 2016, Tư tôi tình cờ gặp anh Ba Lộc Đông ở xã Quế Lộc ngay quán cà phê đầu làng. Anh Ba cho biết từ vụ đông xuân năm ngoái đến nay, thay vì sạ lúa thì chuyển sang sản xuất đậu phụng xen canh với sắn. Mô hình này mang lại hiệu quả cao.Vợ chồng anh Ba Lộc Đông có 5 sào ruộng trên cánh đồng Khe Canh. Hàng chục năm qua, do hạ tầng thủy lợi chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, nước tưới quá bấp bênh nên việc sản xuất lúa gặp rất nhiều khó khăn. Đầu vụ đông xuân năm ngoái, được Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư tỉnh, ngành nông nghiệp huyện Nông Sơn và chính quyền xã Quế Lộc hỗ trợ nhiều mặt, anh Ba quyết định chuyển toàn bộ số diện tích đất lúa này sang trồng giống đậu phụng lai L23 cấp xác nhận xen canh với cây sắn cao sản KM94. Anh Ba Lộc Đông hồ hởi: “Chú Tư mi biết không, nhờ nguồn giống của 2 loại cây đó đạt chất lượng cao, đặc biệt là ứng dụng bài bản quy trình kỹ thuật làm đất, gieo trồng, bón phân, phòng trừ sâu bệnh tổng hợp do ngành chuyên môn hướng dẫn nên đông xuân năm trước mô hình sản xuất đậu phụng xen sắn của tui sinh trưởng và phát triển rất tốt. Thực tế cho thấy, một sào đất tui thu được 140kg đậu phụng khô, bán với giá 20 nghìn đồng/kg thì kiếm được 2,8 triệu đồng. Bên cạnh đó, mỗi sào sắn tui nhổ được 12 tạ củ tươi, bán với giá 1.500 đồng/kg thì bỏ túi thêm 1,8 triệu đồng. Như vậy, bình quân 1 sào đất trồng đậu phụng xen canh cây sắn tui thu được tổng cộng 4,6 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư thì còn lại lãi ròng hơn 2,1 triệu đồng. Trong khi đó, nếu gieo sạ lúa chỉ lời không quá 415 nghìn đồng/sào”. Trước hiệu quả hết sức thiết thực đó, vụ đông xuân năm nay vợ chồng anh Ba Lộc Đông tiếp tục thực hiện mô hình trồng đậu phụng xen sắn trên 5 sào đất lúa của mình. Hiện giờ 2 loại cây này đã lên xanh mướt và hứa hẹn sẽ mang lại một mùa bội thu.Trao đổi với Tư Ruộng, ông Trần Văn Lưu – Trưởng trạm Khuyến nông & khuyến ngư huyện Nông Sơn cho biết, được sự quan tâm giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư tỉnh, đầu vụ đông xuân năm ngoái ngành nông nghiệp địa phương tiến hành quy hoạch và hỗ trợ 170 hộ dân trên địa bàn các thôn Lộc Đông, Lộc Tây 1, Lộc Tây 2 của xã Quế Lộc chuyển gần 11ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả thuộc cánh đồng Khe Canh sang thực hiện mô hình xen canh giống đậu phụng lai L23 với cây sắn KM94 nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Ông Lưu chia sẻ: “Qua khảo sát, đánh giá tại nhiều vùng ở xã Quế Lộc thì đông xuân năm trước bình quân 1ha đất trồng đậu phụng xen sắn cho nhà nông mức lãi ròng hơn 43 triệu đồng, cao gấp 5,2 lần so với trước đây họ gieo sạ lúa. Cần nói thêm, nhờ chúng tôi đứng ra ký kết hợp đồng với Công ty CP Focove Quảng Nam nên ngoài việc chịu trách nhiệm cung ứng nguồn hom giống đầu vào thì toàn bộ sản lượng sắn củ tươi do nông dân làm ra đều được doanh nghiệp này thu mua theo phương thức bao tiêu sản phẩm”.Theo ông Lưu, từ thành công của mùa trước, vụ đông xuân 2015 - 2016 này người dân ở 3 thôn vừa nêu tiếp tục triển khai thực hiện mô hình trồng đậu phụng xen canh cây sắn trên đất lúa với hy vọng sẽ có nguồn thu nhập khá. Tuy nhiên, ông Lưu cho rằng, cái được lớn nhất của mô hình ấy là tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực trồng trọt…TƯ RUỘNG