Đánh đu với... thị trường
Giữa tháng 10 dương lịch, thấy giá rau mồng tơi trên thị trường tương đối cao, vợ chồng anh Chín Khúc Lũy ở xã Điện Minh (thị xã Điện Bàn) liền cải tạo một sào đất màu trên khu bãi biền rồi tìm mua hạt giống loại rau ấy về gieo trồng. Nhờ nguồn giống chất lượng cao, nước tưới luôn chủ động, nắm vững kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh gây hại nên ruộng rau mồng tơi của anh Chín phát triển rất tốt. Sau đúng một tháng gieo hạt giống xuống đất, giữa tháng 11.2015 vợ chồng anh Chín bắt tay vào việc thu hoạch lứa rau đầu tiên với hy vọng sẽ kiếm được số tiền kha khá. Thế nhưng, người tính không bằng… thị trường tính, vào thời điểm đó bỗng dưng giá rau mồng tơi rớt thê thảm. Anh Chín nói: “Chú mi biết không, hồi ruộng rau của anh mới vừa lên xanh thì ở ngoài chợ Vĩnh Điện 12 bó mồng tơi có giá 45 - 50 nghìn đồng, đến lúc anh có rau cắt bán thì giá tụt xuống 5 nghìn đồng. Thấy bán 12 bó rau không mua được nửa ổ bánh mỳ thịt, anh nản lòng muốn phá bỏ hết. Tuy nhiên, vì quá xót của nên bà vợ anh cương quyết giữ lại. May mắn là, trong vòng 10 ngày trở lại đây giá loại rau này đã nhích dần lên, hiện giờ 12 bó tư thương trả mua tại ruộng khoảng 20 - 25 nghìn đồng. Dù rằng vẫn còn thấp so với lúc trước rất nhiều nhưng nhà nông tụi tui cũng thấy có phần đỡ hơn, mong sao thời gian tới giá bán tiếp tục tăng mạnh để có thêm ít tiền trang trải cuộc sống gia đình”.
Gần đây, nghe nói ở xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên nhà nông cũng điêu đứng vì đầu ra của một số loại rau gặp rất nhiều khó khăn nên sáng hôm qua Tư tôi về địa phương này tìm hiểu kỹ tình hình. Dẫn tôi lội quanh ruộng rau dền đỏ tươi non rộng 900m2 của mình, anh Sáu Lang Châu Bắc thở dài: “Cái nghề trồng rau chuyên canh ni lắm gian truân chú mi ơi. Ngoài chuyện sợ mưa lũ hoành hành khiến mùa màng mất trắng thì bà con nông dân tụi tui cũng luôn nơm nớp lo về vấn đề giá bán sản phẩm, bởi lâu nay nó cứ trồi sụt mãi. Năm ngoái, vào thời điểm này, 12 bó rau dền đỏ tư thương mua tại ruộng với giá 55 - 60 nghìn đồng, còn bây giờ chỉ chừng 15 - 20 nghìn đồng. Mà được như rứa cũng là mừng rồi chứ cách đây 3 tuần giá rớt xuống 5 nghìn đồng, thậm chí có lúc kêu bán nhưng chẳng ai thèm mua”.
Khi tối, nghe Tư tôi kể, chị Ba Khuyến Nông chậc lưỡi: “Hàng năm, cứ vào vụ đông, nông dân xứ Quảng mình lại triển khai gieo trồng cả nghìn héc ta rau quả các loại để có nguồn thu nhập lo chuyện giỗ chạp, tết nhứt. Và năm nào cũng vậy, nhà nông luôn phải đánh đu với thị trường vì giá thu mua sản phẩm hoàn toàn do tư thương định đoạt. Tui nghĩ, nếu để cái tình trạng đó cứ mãi tái diễn thì chắc chắn không bao giờ ngành nông nghiệp phát triển một cách nhanh, mạnh và bền vững được. Thời gian gần đây, tui thường nghe người ta hô hào rằng sẽ dồn mọi nỗ lực cho việc tái cơ cấu lĩnh vực trọng yếu này nhằm giúp nông dân nhanh chóng nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Nói thật với chú Tư, chừng nào chưa lo được chuyện ổn định đầu ra cho các mặt hàng nông sản thì đừng có hy vọng sẽ tái cơ cấu thành công. Theo tui, trước khi chọn hướng sản xuất theo phương thức hàng hóa tập trung thì cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương và cả nông dân cần phải trả lời hàng loạt câu hỏi mang tính bắt buộc như sản phẩm làm ra sẽ bán cho ai, giá cả thế nào, lợi nhuận bao nhiêu? Nếu cứ đua nhau sản xuất một cách ào ạt mà mù tịt thông tin định hướng thị trường thì không ôm thất bại mới là chuyện lạ”.
TƯ RUỘNG