Chủ động đối phó nấm bệnh đốm vằn
Cuối tuần rồi, lên vùng B huyện Đại Lộc tìm hiểu tình hình sản xuất vụ hè thu 2015, Tư tôi tình cờ thấy anh Ba Phú Long ở xã Đại Thắng mang bình thuốc trừ sâu nặng trịch hì hục lội phun mấy đám lúa đang trổ đòng rộ. Anh nói: “Hơn 10 ngày nay chẳng biết răng mà bệnh đốm vằn gây hại dữ quá, tui đã xịt một lần thuốc rồi nhưng tình hình vẫn chưa chuyển biến. Nếu chừ không lo tích cực phun trừ nấm bệnh thì chắc chắn mất mùa nghiêm trọng”.
Việc phun trừ chỉ mang lại hiệu quả khi nấm bệnh mới phát sinh ở những bẹ lá già.Ảnh: T.RUỘNG |
Trao đổi với Tư Ruộng, ông Lê Văn Thanh – Trưởng trạm Bảo vệ thực vật Đại Lộc cho biết, vụ hè thu năm nay nông dân trên địa bàn huyện gieo sạ tổng cộng 4.300ha lúa, hiện giờ số diện tích này đang trong giai đoạn trổ đòng. Tuy nhiên, những ngày qua nấm bệnh khô vằn xuất hiện và gây hại ở nhiều địa phương khiến nhà nông lo lắng. Theo ông Thanh, tính đến thời điểm này toàn huyện có khoảng 800ha lúa bị nhiễm bệnh với tỷ lệ hại bình quân 10 - 20%, thậm chí không ít nơi lên đến 40 - 50% và đã xảy ra hiện tượng cháy chòm rải rác trên một số cánh đồng, nhất là tại các xã thuộc vùng B của huyện.
Sáng hôm qua, nghe Tư tôi kể chuyện, anh Sáu Trồng Trọt nói: “Chẳng riêng gì Đại Lộc đâu, thời gian gần đây nấm bệnh đốm vằn hay còn gọi là bệnh khô vằn cũng đã tấn công hàng loạt đồng lúa ở nhiều địa phương của xứ Quảng mình. Trong số các loại bệnh do nấm hại trên cây lúa thì khô vằn được xếp vào diện bệnh nghiêm trọng, chỉ đứng sau bệnh đạo ôn. Nếu không phòng trừ, ngăn chặn kịp thời sự lây lan của bệnh thì năng suất lúa sẽ giảm đáng kể”. Theo anh Sáu, bệnh này do nấm Rhizoctonia solani gây ra, chủ yếu là từ giai đoạn lúa bắt đầu đứng cái - làm đòng cho đến thời điểm cuối vụ. Thực tế cho thấy, nấm bệnh phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao, mà thích hợp nhất là nhiệt độ ở mức 28 - 320C, ẩm độ trên 90%. Bệnh thường phát sinh trước tiên tại các bẹ lá hoặc các lá già ở sát mặt nước sau đó lan sang những lá phía trên. Tốc độ lây lan lên các lá phía trên phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết mưa nhiều, lượng nước trên ruộng quá cao. Nguyên nhân chính khiến nấm bệnh khô vằn hoành hành là vì ruộng lúa bón thừa đạm, bón đạm muộn, bón không cân đối N-P-K cùng với mật độ gieo sạ quá dày.
Nhằm giúp nhà nông hạn chế tối đa mức độ thiệt hại, anh Sáu Trồng Trọt khuyến cáo, cách phòng trừ bệnh khô vằn chủ yếu là áp dụng tổng hợp các biện pháp như cày sâu để vùi hạch nấm, gieo cấy đúng lịch thời vụ với mật độ hợp lý. Đặc biệt là, bón phân đầy đủ, theo nhu cầu của cây và bón cân đối giữa các loại phân để tăng cường tính chống chịu của cây. Ngoài ra, hệ thống tưới tiêu phải chủ động và không để mức nước quá cao trong trường hợp bệnh đang lây lan mạnh. Khi phát hiện bệnh trên ruộng lúa với tỷ lệ hại từ 20% số dảnh trở lên thì dùng các loại thuốc đặc hiệu để phun trừ nhưng việc sử dụng nhất thiết phải tuân theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Anh Sáu cũng lưu ý rằng, việc sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ bệnh khô vằn chỉ mang lại hiệu quả cao khi nấm bệnh mới phát sinh ở những bẹ lá già và thuốc phải được phun tiếp xúc với tầng lá dưới của cây…
TƯ RUỘNG