Canh bạc với tư thương

TƯ RUỘNG 02/06/2015 08:34

Cuối tuần rồi, lên vùng Gò Nổi (Điện Bàn) tìm hiểu về vấn đề tiêu thụ các mặt hàng nông sản, Tư tôi tình cờ thấy anh Ba Tây An ở xã Điện Phong ngồi trầm ngâm dưới giàn bí đao trĩu trái. Sau cái bắt tay, anh liền than rằng vụ bí năm nay như một canh bạc với tư thương và chính anh là người thất bại.

Đầu vụ đông xuân năm ngoái, vợ chồng anh Ba Tây An tìm mua hạt giống bí đao có chất lượng cao đem về ươm bầu rồi gánh ra trồng trên 1 sào đất màu nằm dọc con sông Thu Bồn. Anh Ba kể: “Chú Tư mi biết không, mùa bí đao năm trước tui thu về 1,5 tấn quả. Nhờ từ đầu đến cuối vụ giá bán sản phẩm luôn ở mức 7 - 8 nghìn đồng/kg nên tổng số tiền kiếm được không dưới 11 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí thì tui lãi ròng 8 triệu đồng từ 1 sào bí đao đó”. Thấy bí đao mang lại hiệu quả kinh tế cao, đông xuân năm nay anh Ba quyết định bỏ việc gieo tỉa đậu phụng để mở rộng diện tích canh tác loại cây trồng này lên 3 sào. Theo anh Ba, tuy sản lượng bí không giảm so với năm ngoái nhưng do giá bán cứ liên tục rớt nên vụ này chỉ mong hòa vốn. “Mười mấy đêm nay, hễ cứ nằm nghĩ đến chuyện giá bí là cái bụng tui nó tức anh ách. Hồi đầu vụ, khi bí ra chưa nhiều và trái còn non không thể hái bán được thì tư thương mua với giá 8 nghìn đồng/kg. Còn bây giờ, khi giàn bí trĩu trái thì giá bán rớt xuống 2 nghìn đồng/kg. Khổ nỗi, giá giảm đã đành, đằng này gọi điện năm lần bảy lượt thương lái mới đủng đỉnh chạy xe tới ruộng rồi họ lựa trái mua theo kiểu bất cần. Nhưng thời điểm ni bí đã đồng loạt già, nếu không chịu gật đầu bán thì chẳng lẽ ngồi nhìn nó hư thối và rụng đen gốc” – anh Ba nói ngao ngán.

Ngồi trò chuyện với Tư tôi, ông Trần Văn Nhân – Phó ban Nông nghiệp kiêm Chủ nhiệm Hợp tác xã Điện Phong nói: “Thấy mùa trước giá bí đao cao và luôn ổn định nên vụ đông xuân này nông dân trên địa bàn xã trồng hơn 20ha, tập trung chủ yếu trong các khu vườn nhà và biền bãi ven sông. Tuy nhiên, mấy tuần trở lại đây khi nông dân tiến hành thu hoạch bí rộ thì giá bán sản phẩm rớt thê thảm, thậm chí có lúc thương lái không thu mua”. Hôm qua, nghe chuyện, chị Sáu Trồng Trọt kể: “Chẳng riêng gì nông dân xã Điện Phong ấy đâu. Mùa bí đao này, nhiều hộ dân ở các địa phương khác cũng rất buồn vì cái cảnh được mùa mất giá lại tái diễn. Đúng là, đánh bạc với tư thương, phần thua luôn thuộc về người sản xuất. Tôi nghĩ, nếu giá bán sản phẩm nông nghiệp vẫn cứ do thương lái định đoạt thì chắc chắn rằng nông dân xứ Quảng mình nói riêng và cả nước nói chung sẽ còn phải khổ dài dài”.

TƯ RUỘNG

TƯ RUỘNG