Suy giảm thâm canh

TƯ RUỘNG 13/01/2015 08:51

Vợ chồng anh Tám Tứ Ngân ở xã Điện Ngọc, Điện Bàn có 4 sào đất canh tác lúa trên cánh đồng Du. Mấy năm trước, nhờ chú trọng đầu tư thâm canh nên vụ nào họ cũng bội thu. Tuy nhiên, từ đầu năm 2014 đến nay, khi vợ chồng anh xin vào làm công nhân tại Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc thì năng suất lúa tụt giảm mạnh. Anh Tám nói: “Chú Tư biết không, hồi trước, nhờ quản lý tốt dịch hại tổng hợp, bón phân cân đối theo đúng chu kỳ sinh trưởng nên cây lúa đẻ nhánh khỏe, phát triển mạnh, trổ đòng tập trung. Vì thế, có tệ chi mỗi sào cũng thu được 320kg lúa khô. Còn trong vòng 1 năm trở lại đây, cả vợ lẫn chồng sáng sớm đã đi, tối mịt mới về nên đành phải bỏ bê ruộng đồng. Chính do thiếu sự đầu tư, chăm sóc mà vụ đông xuân và hè thu của năm vừa rồi sản lượng lúa giảm 40% so với lúc xưa”.

Quay ngược vào huyện Duy Xuyên, Tư tôi thấy anh Ba Hà Thuận ở xã Duy Vinh đang khoanh tay đứng nhìn những ruộng lúa non bị chuột cắn phá tả tơi. Anh Ba cho biết, gần cuối tháng 12.2014, sạ xong 2 sào lúa bằng loại giống dài ngày Xi23 thì vợ chồng anh bỏ mặc nó cho… ông trời. Bởi, suốt 3 tuần nay ngày nào họ cũng bắt đò qua Hội An làm phụ hồ tại những khu dân cư mới đang xây dựng để kiếm tiền nộp học phí cho con và lo chuyện tết nhứt. Anh Ba Hà Thuận chia sẻ: “Bây giờ, tui sản xuất lúa theo kiểu được chăng hay chớ. Đơn giản vì, những năm qua hiệu quả kinh tế mà nó đem lại quá thấp. Để tui tính cho chú mi nghe, ở vùng này, nếu vụ nào trúng mùa lắm thì mỗi sào gặt được 250kg lúa khô, bán với giá 1kg là 6 nghìn đồng thì thu về tổng cộng 1,5 triệu đồng. Sau khi trả công cày bừa, thu hoạch và trừ tiền mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì còn lại mức lãi ròng không quá 500 nghìn đồng. Nhưng, để có được số tiền lời ấy, phải bám với ruộng hơn 3 tháng ròng. Trong khi đó, chỉ cần qua Hội An làm phụ hồ 2 ngày thôi là vợ chồng tui đã kiếm đủ khoản lãi này”.

Hồi giữa tuần rồi, phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác khuyến nông giai đoạn 2010 - 2014, ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỏ ra lo ngại trước tình trạng suy giảm thâm canh, nhất là đối với khâu sản xuất lúa. Ông Muộn nói: “Mấy năm gần đây, tình trạng này xảy ra phổ biến ở rất nhiều nơi trên địa bàn tỉnh mình chứ không còn khu biệt tại các vùng ven đô thị và những khu - cụm công nghiệp nữa. Rõ ràng, một khi công việc đồng áng không được nhà nông quan tâm đúng mức thì hẳn nhiên sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác chỉ đạo sản xuất, phòng trừ dịch hại và hiệu quả canh tác”.

    TƯ RUỘNG

TƯ RUỘNG