Nhất quyết không… tiêm phòng
Cách đây hơn 10 ngày, dịch cúm A/H5N1 tái bùng phát ở xã Đại Lãnh (Đại Lộc) khiến hàng trăm con vịt bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy khẩn cấp, nhưng theo anh Chín Hà Tân, người dân ở đây nhất quyết không tiêm phòng cho đàn gia cầm. Thấy hơi lạ, từ thị trấn Ái Nghĩa, Tư Ruộng vượt 20 cây số theo chân anh Chín về xã Đại Lãnh để tìm hiểu tình hình. Xế chiều, trên cánh đồng trơ gốc rạ, thấy bác Sáu Đại An lùa đàn vịt thịt đi kiếm mồi, tôi liền lân la trò chuyện. Bác Sáu cho biết, bầy vịt 150 con của mình đã nuôi được 37 ngày tuổi, khoảng hơn 1 tuần nữa sẽ xuất bán. Hỏi số vịt ấy đã tiêm vắc xin phòng bệnh cúm chưa thì ông lắc đầu: “Nói thiệt với chú là chưa có con mô chích ngừa hết. Vừa rồi, dịch cúm gia cầm tái bùng phát tại địa phương, mấy cán bộ thú y ở huyện và xã khuyên tui nên khẩn trương đăng ký mua vắc xin về tiêm cho vịt nhưng tui cứ ậm ờ rồi lơ luôn”. Theo lời bác Sáu Đại An, sở dĩ ông né tránh chuyện tiêm phòng là vì đàn vịt thịt đó đã sắp mở cửa lồng, nếu chích vắc xin cúm vào thì sẽ phải kéo dài thời gian nuôi, vừa tốn tiền vừa tốn công chăm sóc. Điều đáng nói là bầy vịt của bác Sáu thả nuôi rất gần với đàn vịt 376 con mới bị nhiễm vi rút cúm A/H5N1 của hộ ông Đỗ Công Tốt ở cùng thôn.
Trao đổi với Tư Ruộng tôi, ông Phan Thanh Thiên – Trưởng trạm Thú y Đại Lộc cho hay, từ ngày 24.9 đến nay lực lượng thú y huyện cùng chính quyền xã Đại Lãnh đã tăng cường khâu chốt chặn, kiểm soát và thường xuyên ra quân vệ sinh môi trường, chuồng trại, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng trên phạm vi rộng nhằm kìm hãm sự phát tán của vi rút gây bệnh. Tuy nhiên, những nỗ lực của lực lượng chuyên môn cũng sẽ bằng không nếu người chăn nuôi quá chủ quan, lơ là trong khâu phòng dịch. Ông Thiên than phiền: “Qua thống kê mới nhất thì hiện nay tại vùng dịch xã Đại Lãnh có 1.650 con vịt thịt đang thả nuôi. Những ngày gần đây, chúng tôi liên tục vận động người dân mua vắc xin cúm A/H5N1 chủng Re-6 về tiêm phòng cho số vịt này để hạn chế thiệt hại nếu lỡ mầm bệnh lây lan. Thế nhưng, tất cả chủ hộ nuôi đều nhất quyết không chích ngừa vắc xin vì cho rằng đàn vịt của mình đã sắp đến kỳ xuất chuồng”. Nói như nước đổ đầu vịt, cuối cùng ngành thú y đành… thả tay với những chủ vịt.
Chích ngừa vắc xin là biện pháp tối ưu trong việc đối phó với dịch cúm gia cầm. Tư Ruộng nghĩ, đối với các trường hợp lơ là trong khâu tiêm phòng, nếu những ngày tới vịt của họ bị nhiễm bệnh chết, phải tiêu hủy bắt buộc thì ngành thú y và chính quyền cơ sở nên cương quyết không áp dụng cơ chế hỗ trợ tái đàn. Thậm chí, cần có chế tài xử phạt thật nặng vì thiếu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch.
TƯ RUỘNG