Trợ sức cho người trồng tiêu
Cuối tuần rồi, lên huyện Phú Ninh dự tiệc mừng nhà mới của đứa bạn thời sinh viên ở Huế, Tư tôi tình cờ gặp lại anh Ba Phú Thịnh.
- Dạo ni làm ăn răng ông anh?
- Nói chú mừng, gần đây kinh tế gia đình tui khá hơn nhờ vào việc trồng tiêu trong vườn đó chú Tư. Xong ở đây, chú ghé chơi sẽ thấy vườn tiêu xanh ngút ngàn...
Vợ chồng anh Ba Phú Thịnh có khu đất vườn rộng 1.200m2. Hàng chục năm trời bám riết với cây sắn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại quá thấp, do đó đầu năm 2010 họ quyết định chuyển một nửa diện tích sang trồng tiêu với tổng cộng 120 choái. Sau một thời gian chờ đợi, thấy những trụ tiêu đồng loạt ra trái non, người đàn ông ngoài 50 tuổi ấy mừng như phất cờ trong bụng. Anh Ba kể: “Hái lứa đầu tui thu được 240kg hạt tiêu khô. Bán tại nhà với giá 1kg là 170 nghìn đồng, tui bỏ túi hơn 40 triệu đồng”. Dẫn Tư Ruộng lội quanh vườn tiêu trĩu trái non đang phơi mình dưới nắng xuân ấm áp, anh Ba không giấu được niềm vui: “Theo dự kiến, sau Tết Giáp Ngọ chừng 2 tháng là vợ chồng tui bắt tay vào việc thu hoạch. Bây giờ, giá hạt tiêu khô trên thị trường đang tiếp tục nhích lên, tui hy vọng sẽ có một mùa bội thu”.
Bên tách trà ấm, anh Ba Phú Thịnh cho biết, sắp tới đây anh sẽ tiếp tục cải tạo những vuông đất vườn còn lại để trồng tiêu. Anh Ba chia sẻ: “Lần này tui sẽ chọn mua giống tiêu Tiên Phước vì giống tiêu ấy rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Thực tế cho thấy, bình quân 1kg hạt tiêu khô Tiên Phước thường bán với giá 400 - 430 nghìn đồng, trong khi đó giống tiêu Ấn Độ mà lâu nay người dân quê tui canh tác chỉ có giá 160 - 180 nghìn đồng. Hơn nữa, theo chủ trương của huyện Phú Ninh, thời gian tới nếu nhà nông đầu tư xây dựng mô hình trồng giống tiêu Tiên Phước thì sẽ được ngân sách hỗ trợ nhiều khâu”.
Trao đổi với Tư Ruộng tôi, ông Trần Ngọc Bằng - Phó phòng NN&PTNT Phú Ninh cho biết, trước hiệu quả do cây tiêu mang lại, những năm gần đây nông dân trên địa bàn huyện mạnh dạn phát triển mô hình chuyên canh tiêu theo hướng hàng hóa tập trung. Theo ông Bằng, để tạo điều kiện cho nông dân tiếp tục mở rộng sản xuất, HĐND huyện Phú Ninh đã ban hành Nghị quyết số 58/2013/NQ-HĐND về một số nội dung hỗ trợ khuyến khích phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và kinh tế vườn, kinh tế trang trại giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó, từ nay nếu nông dân địa phương đầu tư xây dựng mô hình trồng tiêu với diện tích 500 mét vuông (80 - 100 choái) trở lên thì sẽ được ngân sách hỗ trợ 5 triệu đồng để khai hoang, cải tạo đất và thực hiện một số phần việc khác. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ thêm 30% giá mua cây giống nhưng mức tối đa không quá 15 nghìn đồng/choái...
Hôm qua, nghe chuyện, chị Tám Khuyến Nông nói: “Tư à, với sự tiếp sức từ phía chính quyền, tôi hy vọng trong những năm tới nhà nông ở huyện Phú Ninh sẽ phát triển mạnh mô hình chuyên canh cây tiêu. Tuy nhiên, nếu cứ ào ạt chạy theo diện tích mà bỏ qua khâu tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm và phòng trừ các loại dịch bệnh nguy hiểm thì e rằng sẽ không bền vững, nói đúng hơn là dễ ôm nợ”.
TƯ RUỘNG