Tam Thành, đột phá các mô hình kinh tế

TRẦN HỮU 01/04/2013 08:43

Từ sản xuất nhỏ lẻ, bó hẹp thị trường nông thôn, xã Tam Thành (huyện Phú Ninh) đã thực hiện bước chuyển với các mô hình phát triển kinh tế hợp tác, liên kết, liên doanh đem lại hiệu quả cao.

Nghề mây tre đan thủ công giải quyết lực lượng lao động lớn tại địa phương. Ảnh: T.H
Nghề mây tre đan thủ công giải quyết lực lượng lao động lớn tại địa phương. Ảnh: T.H

Sản xuất hàng hóa

Không có nhiều lợi thế hơn các vùng khác trong phát triển sản xuất, kinh doanh, xã Tam Thành đã chọn hướng lấy chất lượng và thị trường hàng hóa đi đầu trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, địa phương chủ động quy hoạch vùng sản xuất cây trồng. Theo đó, hàng loạt cánh đồng chuyên canh sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa, lúa chất lượng cao, dưa hấu được hình thành. Do vậy, những vùng này được đầu tư bài bản hệ thống kênh mương thủy lợi để phục vụ tưới tiêu cây trồng. Theo Ban Nông nghiệp xã Tam Thành, gần 15km kênh mương cấp 2 trên địa bàn đã được kiên cố hóa (đạt 100% tiêu chí nông thôn mới), hơn 19km kênh cấp 3 đầu tư xây dựng. Riêng các tuyến kênh mương nội đồng chưa kiên cố hóa, theo vụ mùa mỗi năm, chính quyền phối hợp với các hợp tác xã (HTX) huy động người dân nạo vét, khơi thông dòng chảy đảm bảo cung ứng nước tưới cho gần 700ha đất trồng lúa, cây trồng cạn.

Ông Lê Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thành khẳng định, hệ thống cung cấp nước tưới thủy lợi thừa sức đáp ứng nhu cầu sản xuất. Đặc biệt, diện tích sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao toàn xã đạt hơn 200ha. Theo tính toán, giá trị sản xuất lúa hàng hóa tăng thu nhập cao gấp hai lần so với sản xuất lúa thông thường. Đến nay, địa phương xây dựng được 5 cánh đồng thu nhập cao với gần 75ha (mỗi héc ta đạt 115 triệu đồng). Trong khi đó, nhiều cánh đồng lúa năng suất thấp đã chuyển hẳn sang thâm canh dưa hấu. Khi có “bà đỡ” là HTX Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Tam Thành 2 đóng trên địa bàn lo toàn bộ khâu giống, phân bón, làm đất, thu mua sản phẩm, nông dân yên tâm sản xuất. Bà Nguyễn Thị Dung, người dân thôn 1 (xã Tam Thành) cho biết, nhà bà có 7 sào lúa, đến mùa gieo trồng không còn phải chạy đôn chạy đáo lo tiền mua giống, phân bón, thuê nhân công làm đất như trước đây nữa, bởi HTX đã cung ứng dịch vụ toàn bộ. Có HTX thu mua, nông dân không còn sợ cảnh tư thương ép giá.

Chỗ dựa tin cậy

Theo đề án Phát triển các ngành nghề nông thôn trên địa bàn xã Tam Thành (giai đoạn 2012-2015), mỗi năm các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã đạt doanh thu hơn14 tỷ đồng, giải quyết việc làm khoảng 400 lao động, trong đó lao động đã qua đào tạo chiếm hơn 25%. Về thu nhập, nếu so sánh với mức thu nhập của lao động nông nghiệp thì thu nhập của lao động ngành nghề cao hơn khoảng 2,5 - 3,5 lần.

Hiện nay, các HTX trên địa bàn xã Tam Thành ngoài vai trò “bà đỡ” cho nông dân còn mở rộng phát triển thêm ngành nghề gia công may mặc, mây tre đan thủ công, tổ hợp tác xây dựng… HTX chủ động tìm kiếm thị trường để liên doanh, liên kết, nỗ lực duy trì và phát triển các loại hình dịch vụ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ làng nghề. Hướng dẫn nông dân sản xuất, làm công tác khuyến nông, hỗ trợ kinh tế hộ phát triển. Hai tổ mây tre thủ công ở HTX hoạt động rất hiệu quả. Người dân có thể nhận nguyên liệu của HTX về nhà gia công, nhờ đó mà giải quyết được gần 100 lao động tại chỗ. Thêm vào đó, các HTX trên địa bàn đã thu hút 150 lao động may mặc, gia công giày da xuất khẩu. Ông Lê Văn Chương cho biết thêm, rất khó khăn để đưa người nông dân chân đất vào các HTX sản xuất mặt hàng như may mặc, mây tre thủ công, bởi phần lớn họ chưa qua đào tạo nghề. Chính vì thế, vừa qua, địa phương phối hợp với Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), ngành chuyên môn của tỉnh, huyện điều tra, khảo sát nhu cầu cần việc làm trong nhân dân, tổ chức dạy nghề cho 250 lao động. Đến nay, HTX Tam Thành 2 đã có 100 công nhân đăng ký vào làm việc may mặc. “Các HTX, tổ hợp tác xã đã thể hiện được vai trò quan trọng đối với kinh tế hộ, xã viên và tổ viên trong phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập, góp phần với địa phương xây dựng nông thôn mới. Người lao động bên cạnh nguồn thu từ đồng ruộng còn có thể kiếm thêm mỗi tháng hơn 2,5 triệu đồng, số tiền không hề nhỏ với nông dân” - ông Chương nói.

Trước đây, việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn xã Tam Thành thường bấp bênh, thiếu ổn định, thì nay các sản phẩm do HTX làm ra đã thực sự đứng vững trên thị trường. Theo lãnh đạo xã Tam Thành, năm 2013, các HTX tập trung nguồn lực tái cấu trúc từ việc xác định tài sản, công nợ, tư cách xã viên, bộ máy tổ chức… cho đến việc chủ động xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm theo hướng đa ngành nghề, đáp ứng nhu cầu thị trường, phù hợp với yêu cầu thực tế của kinh tế hộ. Đặc biệt, HTX Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Tam Thành 2 sẽ tiếp tục triển khai dịch vụ thủy nông, điện, giống cây trồng, khuyến nông, vật tư nông nghiệp, sản xuất nguyên liệu cho các nhà máy, tín dụng nội bộ, mây tre đan thủ công…

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU