Huy động sức dân xây dựng nông thôn mới
Bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, sự đồng tâm góp sức của nhân dân chính là chủ thể quan trọng quyết định đến thành công trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).
“Dân vận khéo” là cách hiệu quả để các địa phương huy động sức mạnh tổng hợp trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Đ.P |
Khi nhân dân đồng thuận
Năm 2014, thôn 4 (xã Trà Tân, Bắc Trà My) được Nhà nước đầu tư nguồn lực xây dựng lại thiết chế văn hóa thôn nhằm đảm bảo tiêu chí xã NTM. Trong lúc chính quyền địa phương lo lắng vì chưa tìm được mặt bằng xây dựng thì gia đình ông Đinh Văn Xuôi đã tự nguyện hiến toàn bộ mảnh vườn hơn 450m2. Nhờ tấm lòng của gia đình ông Xuôi mà nhà văn hóa thôn 4 đã sớm xây dựng, tạo điều kiện cho bà con nhân dân trong thôn sinh hoạt, hội họp. Ông Nguyễn Văn Tuấn - Bí thư Chi bộ thôn 4 cho biết, trước hành động nghĩa hiệp của gia đình ông Xuôi, thôn đã vận động bà con nhân dân đóng góp 6,5 triệu đồng, không phải là để hỗ trợ bồi thường mà xem đó như là quà cảm ơn, động viên đến gia đình ông. Bên cạnh vận động nhân dân đóng góp tiền hỗ trợ gia đình ông Xuôi, nhân dân thôn 4 còn góp tiền, ngày công xây dựng đường giao thông nông thôn và sân bóng chuyền.
Chỉ tính riêng trong 3 năm qua (2016 - 2018) Quảng Nam đã đầu tư thêm gần 6.600 tỷ đồng cho việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Theo khảo sát, tính đến ngày 31.12.2018 bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của 204 xã tham gia xây dựng mô hình NTM trên địa bàn tỉnh là 14,16 tiêu chí/xã (tăng 2,66 tiêu chí/xã so với năm 2015 và tăng 11,55 tiêu chí/xã so với năm 2010); hiện toàn tỉnh còn 26 xã đạt dưới 8 tiêu chí (giảm 11 xã so với năm 2017) và không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí. Đến thời điểm này, cả tỉnh đã có 73 xã được công nhận đạt chuẩn và hiện nay các đơn vị liên quan đang tiến hành thẩm định, đề nghị UBND tỉnh công nhận thêm 12 xã đạt chuẩn NTM năm 2018. |
Không chỉ thôn 4, thời gian qua hầu hết nhân dân các thôn khác của xã Trà Tân đều đồng tâm góp sức xây dựng NTM, nhất là vấn đề hiến đất, góp công xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu nông thôn. Ông Phạm Mạnh Cường - Chủ tịch UBND xã Trà Tân cho biết, xã về đích NTM vào năm 2017, đến nay các công trình xây dựng cơ bản, cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm y tế... gần như hoàn thiện 100% để phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Có được kết quả trên, bên cạnh nguồn lực đầu tư của trung ương, tỉnh, huyện thì sự vào cuộc, chung sức đồng lòng của nhân dân chính là yếu tố quyết định đến sự thành công. “Qua thực tế, chúng tôi rút ra bài học kinh nghiệm trong xây dựng NTM là phải nắm chắc chủ trương, nghị quyết của cấp trên, đồng thời coi trọng công tác vận động nhân dân và phát huy dân chủ rộng rãi” - ông Cường nói.
Trong khi đó, tại xã Tam Giang (Núi Thành), trong 3 năm (2016 - 2018) triển khai xây dựng NTM, địa phương đã huy động nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng nhà văn hóa - khu thể thao xã, thôn với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng nhà văn hóa, mỗi hộ dân đóng góp 500 nghìn đồng; khu thể thao 100 - 200 nghìn đồng/hộ. Ngoài ra, còn đóng góp vật tư, tiền mặt, ngày công hơn 1,6 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng; hiến 7.900m2 đất xây dựng nghĩa trang và hàng nghìn mét vuông đất thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, tháo dỡ hàng rào cổng ngõ... Ông Phạm Văn Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết, xây dựng NTM là chương trình lớn, tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân. Vì vậy, phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để mọi người hiểu rõ mục tiêu của xây dựng NTM là phát triển theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân. Dân làm, dân thụ hưởng, người dân là chủ thể trong xây dựng NTM, từ đó nhân dân tin tưởng và tích cực, tự giác thực hiện...
Coi trọng “dân vận khéo”
Ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, trong 19 tiêu chí của bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng mô hình NTM thì có đến 16 tiêu chí liên quan tới 5 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Do đó, khi triển khai cuộc vận động, mặt trận các cấp chú trọng hiệp thương, phân công các tổ chức thành viên đăng ký các công trình, phần việc cụ thể để chung tay xây dựng NTM. Năm 2018, nhiều công trình, phần việc đã được triển khai ở các địa phương như: “Giỏ rác đồng ruộng”, “Tiếng kẻng an ninh”, “Nhà sạch - vườn đẹp”, “Không rải vàng mã trên đường đưa tang”… Theo ông Long, những mô hình, công trình, phần việc của các hội, đoàn thể và địa phương đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, xây dựng hạ tầng thiết yếu, bảo vệ môi trường nông thôn, giữ gìn an ninh trật tự.
Đặc biệt, nhờ mặt trận và hội, đoàn thể các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên thời gian qua nhân dân nhiều địa phương của tỉnh đã tự nguyện hiến đất, vật kiến trúc và tích cực đóng góp công sức, tiền của xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Theo báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố, trong năm 2018 nhân dân toàn tỉnh đã tham gia đóng góp hơn 69 nghìn ngày công lao động, hiến hơn 250 nghìn mét vuông đất với tổng giá trị lên đến 40 tỷ đồng. Qua đó, góp phần đáng kể trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo ra diện mạo nông thôn khang trang, sạch đẹp.
ANH ĐÔNG - NHÃ PHƯƠNG