Nỗ lực cán đích nông thôn mới

HOÀI NHI 10/12/2018 03:42

Hai xã Duy Châu và Duy Trung (Duy Xuyên) đã cơ bản thực hiện hoàn thành bộ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Hiện 2 địa phương hoàn tất các thủ tục đề nghị UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM vào tháng 12 này.

Trục đường chính dẫn về xã Duy Trung (Duy Xuyên) được xây dựng rất khang trang. Ảnh: VĂN SỰ
Trục đường chính dẫn về xã Duy Trung (Duy Xuyên) được xây dựng rất khang trang. Ảnh: VĂN SỰ

Nâng cao đời sống nhân dân

Ngoài việc hoàn thành dồn điền đổi thửa 143ha đất lúa, thời gian qua xã Duy Châu cũng đã nỗ lực huy động vốn đầu tư hơn 20km đường dây điện, lắp đặt các trạm biến áp, công tơ… để chủ động phục vụ nước tưới cho 210ha đất màu nhằm hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Ông Nguyễn Văn - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, nhờ nhà nông linh hoạt luân canh, xen canh, gối vụ các loại cây trồng cạn như bắp nếp, đậu xanh, ớt, đậu cô ve… nên bình quân mỗi năm thu nhập 150 - 250 triệu đồng/ha đất màu. Bên cạnh đó, người dân Duy Châu cũng tận dụng nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp chăn nuôi bò nhốt chuồng. Tính đến đầu tháng 12.2018 toàn xã có 1.450 con bò, chủ yếu là giống bò lai sind với khoảng 20 gia trại, quy mô thả nuôi mỗi mô hình 5 con trở lên. Hằng năm, mỗi gia trại lãi ròng 30 - 40 triệu đồng. Ông Văn nói: “Kinh tế ngày càng khá nên đời sống người dân được nâng cao. Nếu năm 2012 thu nhập bình quân đầu người của Duy Châu chỉ đạt 14,5 triệu đồng thì năm 2018 này đạt 36,26 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 0,73%, giảm 19,3% so với cách đây 7 năm”.

Những ngày này, ở cánh đồng Bảy Mẫu, Minh Khánh… của xã Duy Trung, người dân tất bật thu hái các loại rau quả vụ thu đông. Ông Lê Lên ở thôn Mậu Hòa chia sẻ: “Gia đình tôi cải tạo 2 sào đất rồi tìm mua hạt giống dưa leo có chất lượng tốt về gieo trồng. Nhờ thời tiết thuận lợi, ứng dụng bài bản quy trình chăm sóc, phòng trừ dịch hại tổng hợp nên năng suất dưa đạt khá. Dự tính, mùa dưa leo này tôi thu hoạch không dưới 2 tấn quả, với giá bán bình quân 4 nghìn đồng/kg, chắc chắn sẽ kiếm được ít nhất 8 triệu đồng”. Rất nhiều hộ dân khác ở Duy Trung cũng có nguồn thu nhập đáng kể từ việc canh tác những loại cây trồng cạn chủ lực trong vụ thu đông năm nay. Bà Đoàn Thị Nhân - Phó ban Nông nghiệp xã Duy Trung cho biết, địa phương hiện có khoảng 30ha đất chuyên canh các loại cây trồng như dưa gang, dưa leo và nhiều loại rau đậu, tập trung chủ yếu ở các thôn Mậu Hòa, An Trung. Bình quân mỗi vụ mang lại cho nhà nông 60 triệu đồng/ha, cá biệt một số nơi lên đến 100 - 150 triệu đồng/ha.

Xã Duy Trung cũng đạt nhiều kết quả khả quan trên lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, địa phương hiện có 17 doanh nghiệp và hơn 20 cơ sở sản xuất - kinh doanh nhỏ đang hoạt động hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động với mức thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/tháng. Nếu cách đây 7 năm, trong cơ cấu kinh tế của Duy Trung, ngành nông nghiệp chiếm 27,3%, thương mại - dịch vụ chiếm 26,2%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng chiếm 46,5% thì năm 2018 nông nghiệp chỉ chiếm 17%, thương mại - dịch vụ chiếm 32%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng chiếm 51%. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 37,58 triệu đồng, tăng 30 triệu đồng so với năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,59%.

Chú trọng xây dựng hạ tầng

Năm 2018, xã Duy Trung huy động vật tư, phương tiện, nhân lực đổ bê tông 2km đường giao thông nội đồng tại các xứ đồng Bắc Biên, Ruộng Cạn, Đồng Nhũi. Đồng thời đầu tư mở rộng 500m đường giao thông liên thôn từ 3,5m lên 5m, nâng cấp đập Gò Cũ - cầu máng Mương Ba và trạm bơm Cầu Chìm thuộc thôn Trung Đông với tổng kinh phí 4,2 tỷ đồng. Trong quá trình thi công các công trình giao thông, thủy lợi… hơn 300 hộ dân ở địa phương đã tự nguyện hiến 4.000m2 đất và chặt phá nhiều cây cối, vật kiến trúc trị giá hơn 600 triệu đồng mà không đòi hỏi quyền lợi gì. Theo ông Nguyễn Văn Ba - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Trung, trong tổng số 39,06km đường giao thông liên xã, liên thôn, liên xóm, địa phương đã hoàn thành 100% việc đổ bê tông. Cạnh đó, hệ thống công trình thủy lợi gồm 2 hồ chứa nước, 5 đập dâng, 4 trạm bơm điện được xây dựng theo quy hoạch và thiết kế được duyệt, đảm bảo chủ động việc tưới tiêu cho cây trồng. Ngoài ra, cơ sở vật chất trường lớp, bưu điện, nhà ở dân cư, trạm y tế cũng được xây dựng khang trang. Ông Ba nói: “Xã Duy Trung đã huy động 100,8 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó vốn ngân sách nhà nước 90,2 tỷ đồng, doanh nghiệp hỗ trợ 1,64 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 9 tỷ đồng”.

Xã Duy Châu cũng vừa đầu tư hơn 3,7 tỷ đồng nâng cấp chợ La Tháp với tổng diện tích 2.500m2, bố trí 8 ki ốt, 2 khu buôn bán cùng hệ thống điện, phòng cháy chữa cháy, cấp nước sinh hoạt, mương thoát nước thải… phục vụ việc kinh doanh, buôn bán của nhân dân trong xã và các vùng lân cận. Ngoài ra, Trung tâm VH-TT xã, nhà sinh hoạt văn hóa 8 thôn trên địa bàn cũng đã xây dựng khang trang, lắp đặt đèn chiếu sáng, trang bị hệ thống âm thanh, bàn ghế để đảm bảo việc tổ chức các hoạt động hội họp, thi đấu TD-TT. Đặc biệt, công tác bảo vệ môi trường luôn được địa phương chú trọng, đảm bảo 8 yêu cầu về môi trường và an toàn thực phẩm. Đến nay, các thôn đều tham gia thực hiện mô hình thu gom, xử lý rác thải trong cộng đồng dân cư với hơn 90% hộ dân tích cực hưởng ứng, góp phần tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Ông Nguyễn Văn - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Châu cho biết, 6 năm qua (2012 - 2018) địa phương huy động 79,6 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó vốn trực tiếp từ chương trình là 45,7 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác là 11,9 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 8,3 tỷ đồng, còn lại huy động các nguồn lực khác. “Sắp tới, Duy Châu tiếp tục hoàn thiện các công trình xây dựng cơ bản nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng môi trường sống và đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa nông thôn” - ông Văn nói thêm.

HOÀI NHI

HOÀI NHI