Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm": Động lực của nông thôn mới

MAI ĐÌNH LỢI 01/02/2018 12:00

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (viết tắt OCOP) được hiểu là mỗi địa phương (làng, xã) tùy theo điều kiện cụ thể về tiềm năng, lợi thế của mình, lựa chọn ra những sản phẩm độc đáo, mang đậm nét đặc trưng để phát triển. Đây là hướng đi tất yếu để tạo động lực cho Quảng Nam trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Toàn tỉnh hiện có 165 sản phẩm có thể phát triển thành sản phẩm đặc trưng của mỗi làng, xã. TRONG ẢNH: Sản phẩm của làng đúc đồng Phước Kiều (Điện Bàn). Ảnh: H.Q
Toàn tỉnh hiện có 165 sản phẩm có thể phát triển thành sản phẩm đặc trưng của mỗi làng, xã. TRONG ẢNH: Sản phẩm của làng đúc đồng Phước Kiều (Điện Bàn). Ảnh: H.Q

Khó khăn, thách thức

Qua điều tra, khảo sát sơ bộ, toàn tỉnh hiện có 165 sản phẩm, thuộc 6 nhóm, gồm nhóm thực phẩm có 75 sản phẩm, nhóm đồ uống có 13 sản phẩm, nhóm thảo dược có 20 sản phẩm, nhóm vải và may mặc có 2 sản phẩm, nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí có 50 sản phẩm, nhóm dịch vụ du lịch nông thôn có 5 sản phẩm. Trong đó, có 30 sản phẩm có đăng ký công bố chất lượng, 36 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, tập trung ở các nhóm sản phẩm chính như sau: đối với nhóm sản phẩm trồng, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản tập trung chủ yếu vào một số sản phẩm đặc trưng như sâm Ngọc Linh, đảng sâm, ba kích tím, sa nhân tím, giảo cổ lam, quế Trà My, tiêu Tiên Phước...; bê thui Cầu Mống, cơm gà Bà Luận, gà tre Đèo Le; rong mứt Tam Hải, mực nái Núi Thành... Đối với nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ tập trung chủ yếu vào một số sản phẩm như mộc Kim Bồng; mộc mỹ nghệ Âu Lạc, Văn Tiếp; gốm mỹ nghệ đất nung Thanh Hà, Đức Hạ; đèn lồng Hội An..; các chế tác trầm cảnh Nông Sơn, Tiên Phước; các sản phẩm đúc đồng Phước Kiều; các sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu; tơ lụa Mã Châu, chiếu cói Bàn Thạch, mây tre đan Âu Cơ... Tổng doanh thu hàng năm của các sản phẩm khoảng 350 tỷ đồng; thị trường tiêu thụ chủ yếu trong và ngoài tỉnh. Tổng cộng có hơn 170 tổ chức/cá nhân đang sản xuất sản phẩm địa phương; trong đó có 14 công ty TNHH, 16 HTX, 15 tổ hợp tác, 126 hộ sản xuất - kinh doanh (có đăng ký kinh doanh).

Tuy Quảng Nam có số lượng sản phẩm lớn, chủng loại đa dạng, song giá trị đạt được chưa cao, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, phát triển chưa bền vững. Nguyên nhân là tổ chức sản xuất sản phẩm chủ yếu dựa vào kinh tế hộ, sản xuất theo phong trào, ít hiểu biết về thị trường và đặc biệt là chưa chú trọng khai thác các lợi thế so sánh ở vùng nông thôn dựa trên các nguồn tài nguyên bản địa như các đặc sản cây, con, ngành nghề truyền thống, danh thắng địa phương. Chủ yếu sản xuất hàng hóa ở dạng vật phẩm, sản phẩm thô, ít gia tăng giá trị, chưa biết cách tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm và tiếp thị nên chưa đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Mặt khác, khả năng sáng tạo, trình độ kỹ thuật còn thấp (công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất còn thô sơ, đơn giản), kỹ năng quản lý còn hạn chế. Một số sản phẩm đã được thương mại hóa thì việc bảo vệ, giữ gìn thương hiệu của sản phẩm, đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, chống và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái đối với các sản phẩm này đang còn bất cập. Việc phát triển, sản xuất các sản phẩm hiện nay vẫn còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ, chưa có sự liên kết chuỗi giá trị, nên giá trị gia tăng thấp...

Giải pháp đồng bộ

Triển khai thực hiện tốt Chương trình OCOP là một hướng đi tất yếu, nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Ngoài ra, thông qua việc phát triển sản xuất tại địa bàn khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn (hạn chế dân di cư ra thành phố, các khu công nghiệp), tận dụng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát triển xã hội khu vực nông thôn Quảng Nam theo hướng bền vững.

Quảng Nam được chọn thí điểm Chương trình OCOP
Người dân địa phương tham gia Chương trình OCOP một cách tự nguyện và với tư cách là chủ nhân của các hoạt động trong chương trình; chính quyền địa phương chỉ đóng vai trò trợ giúp cho những nỗ lực, cố gắng của người dân, chứ không phải bắt buộc họ thực hiện. Đây chính là động lực làm nên những thành công của chương trình này ở Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Ở Việt Nam, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên đưa chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” vào thực hiện từ năm 2013. Đầu năm 2017, Quảng Ninh đã sơ kết và đề ra nhiệm vụ để tiếp tục thực hiện chương trình ở giai đoạn 2 (2017 - 2020). Kết quả thực hiện trong giai đoạn đầu ở Quảng Ninh đạt được rất khả quan. Địa phương đã hình thành và phát triển 180 tổ chức kinh tế; tổng vốn đã huy động để sản xuất đạt gần 368 tỷ đồng; hình thành và phát triển 198 sản phẩm, trong đó có 99 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên; tổng doanh số bán hàng trong 3 năm đạt hơn 672 tỷ đồng, tăng 300% so với mục tiêu đề ra... Từ những thành công ban đầu ở tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT xây dựng đề án “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm”. Đề án đang được trình Thủ tướng xem xét phê duyệt. Theo đó, Quảng Nam là một trong 10 tỉnh, thành phố được Bộ NN&PTNT chọn chỉ đạo điểm để thực hiện chương trình.

Dự kiến trong quý I.2018, UBND tỉnh sẽ phê duyệt đề án và ban hành Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” với các giải pháp chủ yếu: đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong việc triển khai thực hiện OCOP Quảng Nam cho cán bộ và nhân dân hiểu được tầm quan trọng, ý nghĩa, nguyên tắc của chương trình; đưa Chương trình OCOP vào nghị quyết của cấp ủy các cấp; chính quyền các cấp có kế hoạch, chương trình công tác triển khai cụ thể. Xây dựng hệ thống vận hành OCOP: thành lập hệ thống chỉ đạo điều hành, thực hiện Chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở. Thành lập Ban điều hành Chương trình OCOP ở cấp tỉnh, cấp huyện; ở cấp xã do cán bộ phụ trách lĩnh vực NN&PTNT thực hiện nhiệm vụ tham mưu UBND cấp xã triển khai thực hiện Chương trình OCOP, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Nâng cấp, tái cơ cấu các tổ chức kinh tế hiện có; hình thành các hợp tác xã/doanh nghiệp vừa và nhỏ; nâng cấp/hoàn thiện cơ sở sản xuất (nhà xưởng, thiết bị, đào tạo nghề...) đáp ứng các tiêu chuẩn nhà sản xuất theo quy định. Kết nối các tổ chức OCOP với các nhà tư vấn phù hợp với ngành hàng và thúc đẩy các mối quan hệ đối tác này theo nguyên tắc cùng có lợi.

Quảng Nam sẽ kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ chế, chính sách đã ban hành, trên cơ sở đó tích hợp và điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chính sách; đồng thời nghiên cứu ban hành một số chính sách mới để hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP; trong đó tập trung vào các nội dung: hỗ trợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ cải tiến mẫu mã, bao bì, đăng ký thương hiệu, thông tin, tìm kiếm thị trường. Tổ chức sản xuất theo quy trình kỹ thuật nuôi trồng an toàn, sản xuất theo chuỗi sản phẩm sạch và chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; thực hiện thủ tục đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu thương mại sản phẩm. Hỗ trợ và tạo môi trường thuận lợi để phát triển HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; tiếp tục tăng cường tiếp thị quảng bá sản phẩm để tìm kiếm thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu; hỗ trợ tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn; hỗ trợ xây dựng các điểm, trung tâm bán hàng OCOP; “Cửa hiệu đắt khách, sản phẩm đắt hàng”; tổ chức các hội chợ OCOP để kết nối nông sản với thị trường tiêu thụ. Tập trung huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện chương trình; trong đó chú trọng nguồn tín dụng và đầu tư từ cộng đồng. Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ để thực hiện chương trình theo cơ chế, chính sách được ban hành.

Về khoa học công nghệ, sẽ ứng dụng triệt để các nội dung của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0); đặc biệt, thực hiện các ứng dụng công nghệ của nông nghiệp 4.0 vào tổ chức sản xuất hàng hóa, dịch vụ trong Chương trình OCOP. Xây dựng và triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và kinh doanh các sản phẩm OCOP. Hỗ trợ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, áp dụng các mô hình quản lý tiên tiến, các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Hợp tác trong nước và quốc tế về triển khai Chương trình OCOP nhằm tăng cường hiệu quả trong quá trình triển khai chương trình OCOP, xúc tiến, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm OCOP...

MAI ĐÌNH LỢI

MAI ĐÌNH LỢI