Khó đạt tiêu chí về thủy lợi

VĂN SỰ - ĐOÀN ĐẠO 21/11/2017 09:35

“Phải đảm bảo có ít nhất 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp chủ động nước tưới” là nội dung chính của tiêu chí số 3 về thủy lợi trong bộ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1980/QĐ-TTg (ngày 17.10.2016). Tuy nhiên, thực tế cho thấy yêu cầu trên là bài toán quá khó đối với nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là ở khu vực trung du và miền núi.

Do đặc điểm địa hình, nhiều địa phương ở miền núi gặp nhiều khó khăn trong thi công hệ thống kênh mương. Ảnh: VĂN SỰ
Do đặc điểm địa hình, nhiều địa phương ở miền núi gặp nhiều khó khăn trong thi công hệ thống kênh mương. Ảnh: VĂN SỰ

Nhìn từ Hiệp Đức

Nhiều năm quản lý và vận hành hệ thống kênh Chính Nam thuộc hồ chứa Việt An, ông Huỳnh Kim Thạch ở thôn 1 (xã Bình Sơn, Hiệp Đức) khẳng định, để tuyến kênh này phát huy hết tác dụng nhằm đảm bảo phục vụ nước tưới cho 30ha đất lúa của xã là điều rất khó. Ông Thạch cho biết: “Do địa hình cách trở, kênh lại kéo dài qua nhiều cánh đồng nên những chân ruộng nằm ở khu vực cuối tuyến thường bấp bênh nước tưới, thậm chí nhiều vụ bị khô hạn nặng”. Ông Nguyễn Văn Điền - cán bộ phụ trách giao thông & thủy lợi xã Bình Sơn cho hay, kênh Chính Nam có chiều dài 3,6km nhưng đến nay mới chỉ có 700m được bê tông kiên cố, còn lại là kênh đất. Theo ông Điền, những năm qua bình quân mỗi vụ con kênh này chỉ tưới được 20ha đất lúa, trong khi theo thiết kế có thể đảm bảo tưới 120ha. “Hiện tại, rất nhiều đoạn của kênh Chính Nam đã bị bồi lấp, nhất là phía hạ lưu lượng cát đá bồi cao 30 - 40cm ngăn cản dòng chảy. Không chỉ vậy, việc người dân tự ý đào dọc hai bờ để lấy nước về ruộng làm tuyến kênh xuống cấp trầm trọng và mất dần công năng” - ông Điền nói. Cũng theo ông Nguyễn Văn Điền, do địa hình bán sơn địa khiến xã Bình Sơn gặp nhiều trở lực trong quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi. Do đó vấn đề đảm bảo nước tưới cho cây lúa hết sức vất vả, còn việc cung ứng nguồn nước cho những loại hoa màu và cây trồng lâu năm là chuyện quá khó. Toàn xã có 170ha đất lúa nhưng đến thời điểm này chỉ có 50% diện tích chủ động tưới.

Ông Nguyễn Tấn Phát - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho rằng, sẽ rất lâu nữa mới có thể xóa được các “điểm trắng” về thủy lợi ở huyện miền núi này. “Nguồn lực từ phía Nhà nước có hạn, trong khi danh mục cần đầu tư thì rất nhiều. Vùng đất này khác hoàn toàn với khu vực đồng bằng ở chỗ muốn tưới cho một cánh đồng nhỏ thì phải kéo một con kênh dẫn rất dài, vượt qua các dãy đồi thấp nên khó có thể đảm bảo đủ nguồn kinh phí thực hiện. Mỗi năm, cấp trên hỗ trợ cho địa phương khoảng 5 - 7 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng thủy lợi. Số tiền đó tuy lớn nhưng so với nhu cầu thực tế cần đầu tư ở Hiệp Đức thì vẫn còn quá ít” - ông Phát chia sẻ. Cùng với đó, hàng loạt công trình thủy lợi bị xuống cấp càng khiến việc đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp ở Hiệp Đức thêm khó khăn hơn. Hiện nay, toàn huyện có 45 công trình thủy lợi, trong đó có 6 hồ chứa vừa và lớn. Thời gian qua, vì nhiều nguyên nhân, số hồ chứa này dần mất đi công năng, khả năng cung cấp nước tưới hiện chỉ còn khoảng 40% so với thiết kế. “Mỗi vụ, nông dân Hiệp Đức gieo sạ 1.353ha lúa nhưng chỉ có 26% diện tích đảm bảo nguồn nước. Không chỉ vậy, 13.000ha đất sản xuất các loại hoa màu và cây lâu năm cũng chưa thể chủ động tưới. Do vậy, hiện nay rất nhiều xã ở Hiệp Đức không đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi. Từ nay đến năm 2020 nếu không ưu tiên nguồn lực đầu tư thì nhiều địa phương của huyện sẽ rất khó hoàn thành tiêu chí này” - ông Huỳnh Đức Viên, Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức nhìn nhận.

Mấu chốt vẫn là kinh phí

Ông Nguyễn Tấn Phát - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho rằng, để sớm giải quyết bài toán khó về nguồn nước tưới cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở Hiệp Đức, vấn đề tiên quyết là cấp trên cần quan tâm nâng mức hỗ trợ kinh phí cho huyện, hằng năm đảm bảo từ 10 tỷ đồng trở lên. Bên cạnh đó, địa phương cũng phải linh hoạt huy động, lồng ghép nhiều kênh vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi. Tuy nhiên, theo ông Phát, muốn phát huy tối đa hiệu quả của các công trình thủy lợi, yêu cầu tất yếu là phải quy hoạch bài bản những vùng sản xuất theo phương thức tập trung. “Nếu cứ để tình trạng mỗi vùng trồng một loại cây nào đó thì ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương sẽ không thể có một chiến lược, giải pháp cụ thể nhằm tìm kiếm nguồn lực tài chính đầu tư thi công hệ thống thủy lợi phục vụ việc canh tác của nông dân. Theo tôi, nếu quy hoạch tốt các vùng sản xuất có quy mô diện tích lớn thì cùng với nguồn vốn do ngân sách nhà nước hỗ trợ, chúng ta có thể kêu gọi xã hội hóa trong việc thực hiện khâu này” - ông Phát nói.

Theo ông Lê Hữu Châu - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn, do ngân sách địa phương quá khó khăn, khả năng đóng góp của nhân dân hạn chế nên thời gian qua bình quân hằng năm Quế Sơn chỉ đầu tư khoảng 2 tỷ đồng cho việc xây dựng hạ tầng thủy lợi. Ông Châu cho rằng, muốn đảm bảo nguồn nước tưới cho 3.800ha đất lúa và 3.000ha đất màu của huyện trong mỗi vụ sản xuất, những năm tới cần phải tiến hành xây mới, nâng cấp hàng loạt hồ chứa nước trọng yếu như Lộc Đại, Vũng Tôm, Hố Giếng, Đá Chồng… Đồng thời tiếp tục triển khai bê tông hóa hơn 140km kênh mương các loại. “Số tiền đầu tư cho những phần việc vừa nêu lên đến hàng trăm tỷ đồng, nếu không có sự tiếp sức mạnh mẽ từ nhiều phía, chắc chắn Quế Sơn không thể thực hiện được” - ông Châu nhìn nhận.

Theo tìm hiểu, thực hiện Nghị quyết số 205/2016/NQ-HĐND (ngày 26.4.2016) của HĐND tỉnh khóa VIII, trong 2 năm 2016-2017 ngân sách tỉnh đã hỗ trợ cho chính quyền các địa phương ít nhất 215 tỷ đồng để đầu tư kiên cố hóa kênh mương và xây dựng hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi hóa đất màu. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2018-2020, từ nguồn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện và huy động sự đóng góp của các hợp tác xã, nhân dân… bình quân hàng năm Quảng Nam sẽ chi 140 tỷ đồng để kiên cố hóa 100km kênh mương loại 3 và nâng cấp, sửa chữa, xây mới 20 công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi hóa đất màu…

Nhiều địa phương cùng kêu khó

Mới đây, tại cuộc họp giao ban trực tuyến đánh giá về tình hình thực hiện chương trình xây dựng NTM thời gian qua do Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chủ trì, lãnh đạo nhiều địa phương cho biết rất khó hoàn thành tiêu chí về thủy lợi vì nhu cầu đầu tư quá lớn, trong khi nguồn lực tài chính có hạn.    

Như ở huyện Quế Sơn, ông Nguyễn Trường Sang - Chủ tịch UBND xã Phú Thọ (Quế Sơn) cho hay, trong tổng số 300ha đất lúa của địa phương, vụ hè thu nào nông dân cũng chỉ sản xuất được 129ha, còn 171ha không thể gieo sạ vì thiếu nước tưới. Theo ông Sang, để hóa giải bài toán thiếu nước tưới trên địa bàn, cần phải đầu tư xây mới đập Đồng Bò, nâng cấp hồ chứa Hương Mao, kiên cố hóa 9km kênh chính và nội đồng với số tiền cả trăm tỷ đồng. Với một xã còn nhiều khó khăn như Phú Thọ, rõ ràng khoản kinh phí đó nằm ngoài tầm với của ngân sách địa phương. “Nếu không giải quyết tốt khâu thủy lợi, chắc chắn các tiêu chí khác như tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người, hình thức tổ chức sản xuất… cũng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn” - ông Sang đưa ra vấn đề.

Ông Lê Hữu Châu - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, toàn huyện có tổng cộng 3.800ha đất canh tác lúa. Vụ hè thu, thường xảy ra nắng nóng kéo dài trên diện rộng nên nhà nông chỉ sản xuất được 3.100ha, còn 700ha không thể xuống giống vì thiếu nguồn nước để đổ ải. Ngoài cây lúa, trong số 3.000ha đất màu của Quế Sơn hiện giờ cũng mới có 600ha chủ động nước tưới. Chính vì hạ tầng phục vụ sản xuất chưa được đầu tư thi công đồng bộ nên đến nay chỉ có 4/13 xã xây dựng NTM của huyện đạt tiêu chí thủy lợi.

VĂN SỰ - ĐOÀN ĐẠO

VĂN SỰ - ĐOÀN ĐẠO