Nhân rộng mô hình tích tụ ruộng đất
Từ thành công tại xã Bình Đào, huyện Thăng Bình đang nỗ lực nhân rộng mô hình tập trung, tích tụ ruộng đất nhằm thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới…
Đưa máy cấy vào phục vụ sản xuất lúa giống hàng hóa tại mô hình tích tụ ruộng đất ở xã Bình Đào.Ảnh: N.PHƯƠNG |
Hiệu quả thiết thực
Ông Huỳnh Kim Thanh - Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Bình Đào cho biết, bên cạnh việc củng cố bộ máy, mở rộng các loại hình dịch vụ, chuyển đổi hoạt động sản xuất - kinh doanh theo Luật HTX 2012 thì thời gian qua đơn vị cũng triển khai khá tốt mô hình thí điểm về tập trung, tích tụ ruộng đất. Sau khi có chủ trương của UBND huyện Thăng Bình, trong 2 vụ đông xuân - xuân hè năm 2016 HTX đã thuê đất và liên kết với gần 250 hộ dân thực hiện mô hình tích tụ ruộng đất trên tổng diện tích 20ha. Trong đó, 10ha sản xuất hạt giống lúa thuần VN121 theo phương thức doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, 10ha sản xuất - chế biến dầu phụng bằng loại giống mới chất lượng cao L23. Thực tế cho thấy, mô hình sản xuất hạt giống lúa thuần VN121 đạt năng suất 63 tạ/ha, tăng 11 tạ/ha so với năng suất lúa bình quân toàn xã. Trong khi đó, mô hình sản xuất giống đậu phụng L23 cho năng suất 34 tạ/ha, tăng 16 - 22 tạ/ha so với những ruộng đậu phụng nông dân địa phương gieo trồng đại trà những năm trước. Điều đáng mừng là việc thực hiện mô hình này đã giúp nhà nông yên tâm về vấn đề đầu ra của sản phẩm, bởi họ đã có sự hợp tác, hỗ trợ tích cực từ phía Công ty CP Giống cây trồng miền Nam và HTX nông nghiệp Bình Đào.
Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, sau thành công của mô hình thí điểm tại xã Bình Đào, UBND huyện khẩn trương chỉ đạo các ngành chuyên môn xây dựng đề án tích tụ, tập trung ruộng đất trên địa bàn và đã được HĐND huyện thông qua vào cuối năm 2016 . Theo ông Hương, để công tác này mang lại hiệu quả thiết thực, cùng với việc ban hành kế hoạch cụ thể, UBND huyện đã có các cuộc họp triển khai chủ trương đến UBND các xã, thị trấn và nhiều HTX. Đồng thời trực tiếp chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan, đặc biệt là ngành nông nghiệp và tài nguyên - môi trường. Trong khi đó, chính quyền các địa phương liên tục tổ chức họp dân để đưa việc tập trung, tích tụ ruộng đất ra bàn thảo nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao, nhất là trong khâu quy hoạch vùng sản xuất theo mô hình này. Đồng thời tiến hành đo đạc, lập bản đồ hiện trạng vùng quy hoạch; thực hiện việc xác lập quyền, nghĩa vụ của người dân khi tham gia tập trung, tích tụ ruộng đất và liên kết sản xuất với HTX thông qua hợp đồng có sự xác nhận của chính quyền cấp xã.
Trong năm 2017 này HTX nông nghiệp Bình Đào đã nhân rộng mô hình tập trung, tích tụ ruộng đất lên 45ha. Theo đó, vụ đông xuân đơn vị liên kết với Công ty CP giống cây trồng miền Nam sản xuất 15ha giống lúa thuần VN121 và đã đưa ra thị trường tiêu thụ tổng cộng 55,44 tấn hạt giống lúa khô. Đồng thời hợp tác sản xuất 30ha lúa thương phẩm có chất lượng cao. Vụ xuân hè 2017, HTX tổ chức canh tác 25ha đậu phụng và trong vụ hè thu này đơn vị tiếp tục sản xuất 25ha đậu xanh, 15ha lúa giống VN121. Ông Nguyễn Văn Hương cho hay, ngoài 45ha tại xã Bình Đào, từ đầu năm 2017 đến nay chính quyền cùng các HTX nông nghiệp ở thị trấn Hà Lam và 3 xã Bình Nam, Bình Hải, Bình Sa cũng đã nỗ lực thực hiện công tác tập trung, tích tụ ruộng đất với tổng diện tích 137,2ha, chủ yếu sản xuất lúa giống, bắp giống, lúa thương phẩm chất lượng cao, nếp, đậu phụng, ớt… “Chỉ tính riêng vụ đông xuân năm nay, tại các vùng thực hiện mô hình tập trung, tích tụ ruộng đất của những địa phương vừa nêu đã tổ chức sản xuất tổng cộng 182,2ha lúa, nếp và một số loại cây trồng cạn chủ lực. Qua đó, cung ứng ra thị trường 224 tấn lúa giống, 10 tấn ớt và một lượng lớn các loại nông sản khác. Nhìn chung, việc thực hiện mô hình tập trung, tích tụ ruộng đất đã giúp các HTX nông nghiệp và nông dân nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích” - ông Hương nhìn nhận.
Tập trung nhân rộng
Xây dựng mô hình mỗi vùng sản xuất một sản phẩm Theo UBND huyện Thăng Bình, thời gian tới sẽ quyết liệt củng cố ban chỉ đạo, tổ công tác chuyên trách và giao từng phần việc cho các cơ quan chuyên môn. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với ban dân vận, Mặt trận, hội đoàn thể ra quân tuyên truyền rộng rãi, đồng bộ trong cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã về chủ trương này. “Chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình theo phương châm mỗi vùng tích tụ ruộng đất sản xuất một sản phẩm để thực hiện Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đặc biệt, tiếp tục nghiên cứu ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp, HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, huyện cũng tích cực huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, nông dân trong việc đưa những loại giống mới có chất lượng cao vào canh tác, ứng dụng mạnh mẽ những tiến bộ của khoa học - công nghệ…” - ông Hương nói. |
Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng nhưng nhiều ý kiến cho rằng việc tập trung, tích tụ ruộng đất ở Thăng Bình thời gian qua vẫn còn gặp không ít khó khăn, trở ngại. Rõ nhất là một số người dân có tư tưởng sợ mất đất canh tác, làm ruộng để giữ đất, ngại giao đất cho các HTX. Từ trước đến nay phần lớn nông dân chưa từng liên kết sản xuất lớn, mạnh ai nấy làm, không muốn phụ thuộc. Còn nếu có liên kết thì một bộ phận nông dân trông chờ, ỷ lại hoặc phó mặc cho HTX trong các khâu sản xuất, làm ảnh hưởng đến công tác điều hành và tổ chức sản xuất của HTX. Trong khi đó, việc xây dựng đề án và công tác tuyên truyền vận động, chuẩn bị những loại phương tiện, lực lượng sản xuất tại các địa phương chưa đảm bảo. Về nguồn nhân lực, hầu hết HTX chưa đáp ứng nhu cầu tổ chức sản xuất, không có cán bộ chuyên môn kỹ thuật điều hành, điều phối các khâu trên đồng ruộng. Không chỉ vậy, các HTX còn eo hẹp về nguồn vốn nên chưa mua sắm máy móc nông cụ đầy đủ để chủ động cơ giới hóa trong quá trình sản xuất. Đặc biệt, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất hàng hóa tại các cánh đồng thực hiện phương án tập trung, tích tụ ruộng đất chưa được đảm bảo như giao thông nội đồng, kênh mương, hệ thống thủy lợi hóa đất màu…
Theo ông Nguyễn Văn Hương, tập trung, tích tụ ruộng đất là một chủ trương hoàn toàn đúng và phù hợp với điều kiện sản xuất hiện nay nên cần nhân rộng mô hình này. Theo đó, ngoài việc tổ chức sản xuất ổn định gần 185ha đã triển khai tại thị trấn Hà Lam và các xã Bình Đào, Bình Nam, Bình Hải, Bình Sa thì huyện sẽ chú trọng hỗ trợ nhiều khâu để tiếp tục mở rộng diện tích tập trung, tích tụ ruộng đất ra nhiều xã khác như Bình Trung, Bình Tú, Bình Triều, Bình Phục, Bình Giang, Bình Quý, Bình Nguyên, Bình Chánh… Theo lộ trình đặt ra, trong năm 2018 số diện tích thực hiện mô hình này là 385ha và đến năm 2020 toàn huyện phấn đấu tập trung, tích tụ ruộng đất được 900ha. Để hoàn thành mục tiêu trên, huyện Thăng Bình đưa ra nhiều biện pháp. Theo đó, đối với cấp xã, ngoài việc ban hành nghị quyết chuyên đề thì cần khẩn trương thành lập ban chỉ đạo và tổ công tác chuyên trách để triển khai thực hiện mô hình tập trung, tích tụ ruộng đất trên địa bàn. Muốn tạo sự đồng thuận cao, nhất thiết phải họp dân tại các khu vực dự kiến hình thành mô hình để quán triệt chủ trương, vận động nhân dân tham gia và tổ chức thực hiện.
Theo ông Hương, chính quyền các xã, thị trấn cần giao nhiệm vụ cụ thể cho các ban ngành, hội đoàn thể và thường xuyên phối hợp với những đơn vị liên quan của huyện thực hiện việc đo đạc, lập bản đồ hiện trạng khu vực tập trung, tích tụ ruộng đất. Đồng thời đề xuất những biện pháp xây dựng công trình và phi công trình để chủ động phục vụ sản xuất cũng như hỗ trợ mua sắm các loại máy móc, nông cụ thiết yếu… Đối với những HTX nông nghiệp, cần phải chủ động làm việc với các doanh nghiệp để xác định cụ thể diện tích sản xuất và cơ cấu cây trồng nhằm tránh tình trạng khủng hoảng thừa hoặc khủng hoảng thiếu sản phẩm. Cạnh đó, chú trọng việc củng cố, bổ sung nguồn lao động cho các tổ sản xuất đảm bảo về số lượng, chất lượng và giao việc cụ thể cho cán bộ đứng điểm tại các cánh đồng để thực hiện tốt phương án tập trung, tích tụ ruộng đất…
NHÃ PHƯƠNG