Nông dân góp sức xây dựng nông thôn mới
Những năm qua, bên cạnh việc hỗ trợ nhiều khâu nhằm thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực vận động hội viên tham gia hiến đất, đóng góp tiền của và công sức để thực hiện nhiều phần việc của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…
Nông dân nhiều địa phương tích cực tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn.Ảnh: N.P |
Hỗ trợ nhiều khâu
Ông Huỳnh Đức Viên - Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, cách đây hơn 6 tháng, với số tiền 150 triệu đồng từ nguồn vốn của đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đơn vị phối hợp với Trung tâm Dạy nghề & hỗ trợ nông dân (thuộc Hội Nông dân tỉnh) và Liên minh Hợp tác xã Quảng Nam tổ chức 6 lớp tập huấn, chuyển giao quy trình sản xuất rau an toàn, phương pháp nhân giống cây ăn quả, kỹ thuật nuôi - phòng trừ dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm… cho gần 210 hội viên nông dân ở 5 xã Quế Bình, Thăng Phước, Bình Lâm, Hiệp Thuận, Hiệp Hòa. Ông Viên nói: “Sau khi hoàn thành khóa học, nhờ sự tiếp sức từ nhiều phía, không ít hội viên nông dân mạnh dạn đầu tư vốn xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo phương thức hàng hóa và bước đầu mang lại hiệu quả cao. Bình quân hàng tháng, mỗi mô hình thu về khoản lợi nhuận 4 - 7 triệu đồng, góp phần cải thiện cuộc sống người dân”.
Ông Nguyễn Văn Thận – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho hay, thời gian qua các cấp hội nông dân tập trung vận động hội viên tích cực tham gia thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng nhiều mô hình cánh đồng mẫu và cánh đồng kỹ thuật cao. Đồng thời thường xuyên phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức nhiều khóa đào tạo nghề, tập huấn hướng dẫn quy trình sản xuất và hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi. Theo ông Thận, riêng 6 tháng đầu năm 2017, các cấp hội nông dân đã mở 56 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 1.933 lao động nông thôn. Cạnh đó, phối hợp cùng các ngành chuyên môn tổ chức 298 lớp tập huấn chuyển giao những tiến bộ của khoa học kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và hướng dẫn sử dụng tin học, ứng dụng công nghệ sản xuất, phương pháp nắm bắt thông tin thị trường… cho 15.351 hội viên nông dân. Không chỉ vậy, các cấp hội nông dân còn hợp tác với nhiều đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng trình diễn nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp - thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP để nhân ra diện rộng. Ông Thận nói: “Nhờ nỗ lực triển khai công tác đào tạo nghề, chuyển giao các gói kỹ thuật tiên tiến cho hội viên nông dân nên tại nhiều địa phương đã xuất hiện những mô hình nuôi gà thả vườn, heo hướng nạc, vịt trời, trồng rau an toàn, sâm Ngọc Linh, ba kích… đạt doanh thu 200 - 300 triệu đồng/hộ/năm, đặc biệt có một số mô hình thu về tiền tỷ. Qua đó, góp phần thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn phát triển mạnh, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động, đặc biệt là tạo đòn bẩy cho hàng trăm hộ thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu”.
Từ đầu năm 2017 đến nay Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Quỹ Thiện tâm thuộc Tập đoàn Vingroup tiến hành hỗ trợ 350 con bò nái giống (trị giá hơn 7 tỷ đồng) theo phương thức quay vòng cho những hộ nông dân nghèo và cận nghèo của 3 huyện Tiên Phước, Phú Ninh, Thăng Bình để họ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, nâng cao nguồn thu nhập. Cùng với đó, Trung tâm Dạy nghề & hỗ trợ nông dân tỉnh cũng ký kết hợp đồng với một số doanh nghiệp có uy tín cung ứng 2.277 tấn phân bón cho cả nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh sản xuất theo hình thức trả góp, trả chậm. Qua đó, giúp người dân giảm một phần chi phí đầu vào và yên tâm về chất lượng sản phẩm…
Nông dân góp sức
Ông Võ Đình Đông - Chủ tịch Hội Nông dân xã Duy Phú (Duy Xuyên) cho biết, để góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới, thời gian qua các cấp hội nông dân ở địa phương đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia khá nhiều phần việc, nhất là thi công kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Ông Đông nói: “Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, ngoài việc tự nguyện hiến hơn 4.000m2 đất để xây dựng trục giao thông chính đi qua trung tâm hành chính xã với tổng chiều dài 1.000m thì hội viên nông dân xã Duy Phú còn đóng góp 870 công lao động bê tông hóa 4 tuyến giao thông nông thôn và 300 công lao động kiên cố hóa 2 tuyến kênh mương nội đồng”. Theo ông Nguyễn Chí Công - Chủ tịch Hội Nông dân Duy Xuyên, ngoài xã Duy Phú, hơn 6 tháng qua hội viên nông dân ở nhiều nơi khác của huyện cũng đã đóng góp hơn 450 triệu đồng và hàng nghìn ngày công để làm mới, tu sửa 24,1km giao thông nông thôn, 33,2km kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời ra quân thu gom bao bì đựng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng và tham gia thi công các công trình điện thủy lợi hóa đất màu, sửa chữa trường học, trạm xá, xây dựng nhà văn hóa thôn…
Không riêng Duy Xuyên, những năm qua hội viên nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh rất hăng hái trong phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Thận cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2017 các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh đã vận động hội viên hiến 77.510m2 đất để phục vụ việc xây dựng kết cấu hạ tầng và đóng góp 28.181 ngày công để làm mới, duy tu, bảo dưỡng 347km giao thông nông thôn; tu bổ, nạo vét 1.527km kênh mương nội đồng và sửa chữa 155 cầu cống, đập bổi… với tổng giá trị ước tính hơn 9,3 tỷ đồng. Cùng với đó, các cấp hội cũng tiến hành xây dựng mới 363 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và vận động hội viên tăng cường việc chỉnh trang tường rào cổng ngõ, di dời chuồng trại chăn nuôi nhằm đảm bảo hợp vệ sinh…
Ưu tiên vốn phát triển sản xuất - kinh doanh Ông Nguyễn Chí Công – Chủ tịch Hội Nông dân Duy Xuyên cho biết, thời gian qua nhờ tiếp cận dễ dàng với nhiều kênh vốn ưu đãi nên hội viên nông dân 14 xã, thị trấn của huyện có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh. Đến nay tổng nguồn vốn vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội do Hội Nông dân huyện quản lý có dư nợ hơn 87 tỷ đồng và tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm dưới 0,1%. Hiện nay, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân do cấp xã quản lý là 1,1 tỷ đồng và cấp huyện quản lý là 434 triệu đồng với tổng cộng 111 hộ vay. Vừa qua, các đơn vị liên quan cũng tiến hành giải ngân 1 tỷ đồng cho 22 hộ dân ở xã Duy Sơn và Duy Phước vay từ nguồn của Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh. Ông Công chia sẻ: “Qua khảo sát cho thấy, phần lớn số hộ dân được vay các kênh vốn ưu đãi đều sử dụng đồng vốn đúng mục đích. Đặc biệt, phương thức sản xuất – kinh doanh có tính khả thi cao và thực tế đã mang lại hiệu quả thiết thực. Theo thống kê, năm 2016 toàn huyện có 37 hộ nông dân nghèo đăng ký thoát nghèo và đã thực hiện thành công. Năm 2017 này, số hộ đăng ký thoát nghèo cũng bằng năm ngoái nhưng đáng mừng là có đến 13.789 gia đình đăng ký đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi các cấp”. |
NHÃ PHƯƠNG