Xây dựng nông thôn mới gặp khó

NGUYỄN SỰ 28/06/2017 08:48

Chiều qua 27.6, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp giao ban trực tuyến với lãnh đạo 18 huyện, thị xã, thành phố nhằm đánh giá tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) 6 tháng đầu năm 2017 và triển khai những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian đến. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì phiên họp tại điểm cầu trung tâm, cùng dự có đại diện một số sở, ban, ngành…

Xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản đang là vấn đề khiến nhiều địa phương “đau đầu”. Ảnh: N.S
Xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản đang là vấn đề khiến nhiều địa phương “đau đầu”. Ảnh: N.S

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM cấp tỉnh cho biết, 6 tháng đầu năm nay các đơn vị liên quan đã phân bổ hơn 386 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và tỉnh cho các địa phương tiếp tục thực hiện chương trình. Tuy nhiên, qua kết quả rà soát, đánh giá thực trạng theo bộ tiêu chí mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành hồi tháng 10.2016, tính đến ngày 27.6.2017 bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của 204 xã trên địa bàn tỉnh là 11,93 tiêu chí, giảm 0,57 tiêu chí so với cuối năm 2016; phát sinh 1 xã đạt dưới 5 tiêu chí là Phước Thành của huyện Phước Sơn; số xã đạt dưới 8 tiêu chí là 51 xã, tăng 6 xã so với cuối năm ngoái. Đáng nói hơn, trong số 62 xã được công nhận đạt chuẩn giai đoạn 2011-2016 có đến 33 xã không giữ vững danh hiệu vì bị rớt một số tiêu chí. Ông Muộn nói: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là theo quy định mới, chất lượng các tiêu chí được nâng lên, nhiều tiêu chí tăng thêm chỉ tiêu. Đặc biệt, bộ tiêu chí mới quy định xã đạt chuẩn NTM phải có hợp tác xã hoạt động theo luật, tham gia chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương và phải có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đảm bảo tính bền vững (tiêu chí số 13)”.

Ông Nguyễn Phi Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết, hiện nay địa phương vẫn còn nợ đọng xây dựng cơ bản giai đoạn 2011-2015 tổng cộng 22 tỷ đồng. Sở dĩ khoản nợ này kéo dài là do các xã gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực tài chính, việc khai thác quỹ đất để tạo nguồn thu gặp không ít trở ngại và một phần do không có nguồn vốn hỗ trợ, cân đối từ phía tỉnh. Ông Thạnh nói: “Từ nay đến cuối năm 2017, về phần nợ của huyện, chúng tôi sẽ cố gắng xử lý xong. Còn về phần nợ của cấp xã sẽ phấn đấu trả bớt 50%”. Ông Lê Muộn cho hay, thời gian qua nhiều nơi cũng rất chậm trong việc xử lý tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện còn nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 với tổng số tiền hơn 119 tỷ đồng. Trong đó, Phú Ninh, Đại Lộc, Tây Giang, Tam Kỳ, Thăng Bình, Tiên Phước, Hiệp Đức là những địa phương nợ nhiều nhất. Trong khi đó, ông Nguyễn Bốn - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nêu khó khăn ở một khía cạnh khác, chia sẻ rằng, mặc dù thời gian qua lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi của Duy Xuyên đạt năng suất, sản lượng khá cao nhưng do giá bán hầu hết loại sản phẩm trên thị trường đều tụt giảm mạnh làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân trên địa bàn huyện. Qua đó, kéo theo tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo cũng bị tác động rất lớn.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các địa phương khẩn trương thành lập, củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện và xây dựng bộ phận giúp việc đủ mạnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời tiến hành giao vốn, hướng dẫn các xã và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện những nguồn vốn đã được giao năm 2017. Các sở, ban ngành, địa phương tập trung chỉ đạo các phòng ban, chủ đầu tư sớm thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, dự toán và mở mã số dự án đối với những công trình đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Đặc biệt, phải linh hoạt huy động, lồng ghép các kênh vốn để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc chương trình NTM giai đoạn 2011-2015. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cũng yêu cầu Sở NN&PTNT khẩn trương xây dựng đề án mỗi xã một sản phẩm và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trình UBND tỉnh phê duyệt; Sở Công Thương sớm hoàn thành dự án xây dựng, nhân rộng mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp, đồng thời rà soát quy hoạch chợ nông thôn cho phù hợp với điều kiện thực tế trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung. Ngành LĐ-TB&XH cần tích cực triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhằm nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng NTM…

NGUYỄN SỰ

NGUYỄN SỰ