Xây dựng nông thôn mới: Thách thức mới
Mặc dù đã đạt được nhiều thành quả quan trọng nhưng thực tế cho thấy, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh hiện gặp không ít khó khăn, thách thức mới.
“Rớt” tiêu chí
Ông Huỳnh Đức Viên – Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, toàn huyện có 11 xã đăng ký xây dựng NTM. Sau 5 năm nỗ lực thực hiện, cuối năm 2015 các xã được chọn làm điểm của huyện là Bình Lâm, Quế Thọ, Quế Bình đã hoàn thành 19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn. Thế nhưng, sau hơn 1 năm công bố xã NTM, cả 3 xã điểm này đều bị “rớt” tiêu chí số 11 về tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều và tiêu chí số 18 về hệ thống chính trị, tiếp cận pháp luật.
Cần linh hoạt lồng ghép nhiều kênh vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu. Ảnh: NHÃ PHƯƠNG |
Theo thống kê, đến cuối năm 2016 bình quân số tiêu chí đạt chuẩn NTM của 204 xã trên địa bàn tỉnh là 12,50 tiêu chí/xã, tăng 1 tiêu chí/xã so với cuối năm 2015 và tăng 9,89 tiêu chí/xã so với năm 2010. Tại thời điểm đó, Quảng Nam đã có 62 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn và không có xã nào đạt dưới 5 tiêu chí. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, mới đây ngành chức năng và chính quyền các địa phương đồng loạt triển khai đánh giá lại thực trạng các tiêu chí NTM. Ông Đỗ Vạn Lộc – Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho biết, hiện nay bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của 204 xã tham gia xây dựng NTM còn 11,94 tiêu chí/xã (giảm 0,56 tiêu chí/xã) do toàn tỉnh giảm 116 tiêu chí so với cuối năm ngoái. Trong số 62 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011 - 2016 thì có đến 32 xã bị “rớt” tiêu chí và bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của nhóm xã này hiện chỉ còn 17,55 tiêu chí/xã, giảm 1,45 tiêu chí/xã. Trong khi đó, số xã đạt dưới 8 tiêu chí là 53 xã, tăng 8 xã so với cuối năm 2016, chủ yếu là các xã ở những huyện miền núi. Đáng nói hơn, đã phát sinh 2 xã đạt dưới 5 tiêu chí là xã Chơ Chun của huyện Nam Giang và xã Phước Thành (huyện Phước Sơn).
Cũng theo ông Lộc, đối với 54 xã nằm trong diện phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2017 - 2020 thì hiện nay bình quân số tiêu chí đạt chuẩn là 12,04 tiêu chí/xã; riêng 10 xã phấn đấu cán đích trong năm 2017 này, số tiêu chí đạt chuẩn còn thấp, từ 14 - 16 tiêu chí/xã. Ông Lộc nói: “Sở dĩ có tình trạng nhiều xã bị “rớt” các tiêu chí NTM đã đạt là theo quy định của bộ tiêu chí mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1980/QĐ-TTg (ngày 17.10.2016), chất lượng các tiêu chí được nâng lên và nhiều tiêu chí được tăng thêm chỉ tiêu so với bộ tiêu chí cũ áp dụng trong giai đoạn 2011 - 2016”. Trong số 19 tiêu chí của bộ tiêu chí mới thì có 7 tiêu chí tăng thêm 11 chỉ tiêu. Cụ thể, tiêu chí số 6 tăng 1 chỉ tiêu, tiêu chí số 8 tăng 2 chỉ tiêu, tiêu chí số 13 tăng 1 chỉ tiêu, tiêu chí số 15 tăng 1 chỉ tiêu, tiêu chí số 17 tăng 3 chỉ tiêu, tiêu chí số 18 tăng 2 chỉ tiêu, tiêu chí số 19 tăng 1 chỉ tiêu.
Thiếu đồng bộ, quyết liệt
Xây dựng nông thôn mới tránh phô trương, hình thức Phát biểu tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các mặt công tác năm 2016 và quý I.2017 do Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cấp tỉnh vừa tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói: “Xây dựng NTM là chương trình có ý nghĩa xã hội rất lớn, vì vậy thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, hội đoàn thể và ngành liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về tầm quan trọng của việc thực hiện chương trình này. Việc triển khai các phần việc phải đảm bảo mang lại hiệu quả thiết thực, tránh phô trương, chạy theo thành tích. Bên cạnh nguồn vốn do ngân sách nhà nước hỗ trợ, chính quyền các cấp phải linh hoạt huy động, lồng ghép những kênh vốn khác để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng tầm các tiêu chí đã đạt, phát triển mạnh những tiêu chí chưa đạt”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu Sở KH-ĐT và những đơn vị liên quan cần tập trung hướng dẫn, hỗ trợ chính quyền các địa phương nhanh chóng xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc chương trình NTM giai đoạn 2011 - 2015. Đặc biệt, những xã chưa hoàn thành việc lập kế hoạch thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn từ nay đến năm 2020 phải khẩn trương hoàn tất và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cạnh đó, chính quyền các cấp phải nhanh chóng triển khai thực hiện đồng loạt mô hình “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”... |
Thời gian qua, mặc dù UBND tỉnh liên tục đôn đốc nhưng chính quyền nhiều địa phương vẫn chậm trong khâu chỉ đạo xử lý tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc chương trình NTM giai đoạn 2011 - 2015, có một số nơi để nợ đọng quá lớn, chưa xác định nguồn thanh toán, nhất là nợ của cấp xã. Tính đến đầu tháng 4.2017, toàn tỉnh còn nợ xây dựng cơ bản khoảng 124,5 tỷ đồng. Trong đó, Phú Ninh nợ hơn 30 tỷ đồng, Đại Lộc gần 25 tỷ đồng, Tây Giang hơn 19 tỷ đồng, Tam Kỳ xấp xỉ 11,5 tỷ đồng, Thăng Bình hơn 9,7 tỷ đồng, Tiên Phước 8,8 tỷ đồng, Hiệp Đức 7,8 tỷ đồng... Trong khi đó, hiện còn 143 công trình xây dựng trong giai đoạn 2011 - 2015 chưa tiến hành quyết toán dự án hoàn thành, tập trung chủ yếu ở Phú Ninh, Quế Sơn, Đại Lộc, Nông Sơn, Hiệp Đức, Tây Giang, Bắc Trà My, Núi Thành. Đáng nói hơn, nhiều đơn vị không sử dụng hết kinh phí sự nghiệp ngân sách trung ương được giao năm 2016 với số tiền gần 1 tỷ đồng và khoản tiền này sẽ được thu hồi về ngân sách tỉnh để phân bổ thực hiện các nhiệm vụ chi khác.
Mới đây, tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các mặt công tác năm 2016 và quý I.2017 do Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cấp tỉnh tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua một số sở, ban, ngành liên quan vẫn chưa chủ động hướng dẫn các địa phương trong quá trình thực hiện chương trình theo bộ tiêu chí mới và chưa quan tâm lồng ghép nguồn vốn do ngành mình phụ trách để hỗ trợ cho các xã, nhất là những xã phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020. Đặc biệt, chưa theo dõi sát sao tình hình thực hiện và kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho cơ sở, nhất là những vướng mắc trong việc khai thác quỹ đất để tạo nguồn lực tài chính đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Cạnh đó, chậm hướng dẫn việc thanh quyết toán các nguồn vốn thuộc chương trình ở giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng mẫu hóa để các địa phương thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Ông Đỗ Vạn Lộc cho biết thêm, thực tế cho thấy, công tác chỉ đạo, điều hành của ban chỉ đạo một số huyện chưa thực sự tập trung, thiếu quyết liệt. Ở cấp huyện, sự phối hợp triển khai chương trình của các phòng, ban không đồng bộ, thiếu gắn kết và chưa quan tâm hỗ trợ các xã điểm trong quá trình thực hiện, nhất là công tác lập kế hoạch, hướng dẫn sử dụng vốn, quyết toán dự án hoàn thành… Đặc biệt, nhiều địa phương chậm triển khai xây dựng mô hình “Khu dân cư NTM kiểu mẫu” theo yêu cầu, kế hoạch của UBND tỉnh và không ít nơi có phần tự thỏa mãn với kết quả đạt được, lúng túng trong việc thực hiện những giải pháp nhằm duy trì, nâng cao chất lượng bộ 19 tiêu chí nên dẫn tới tình trạng hàng loạt xã bị “rớt” các tiêu chí NTM đã đạt chỉ trong thời gian ngắn.
Theo nhiều ý kiến khác, một số phòng, ban cấp huyện khi thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật và dự toán các công trình đặc thù đã cắt giảm các chi phí như khảo sát, giám sát cộng đồng, quản lý dự án, kiểm toán... nên chủ đầu tư khó khăn trong quá trình thực hiện. Không chỉ vậy, chưa tích cực đôn đốc, hướng dẫn các xã lập và trình UBND cấp huyện phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình NTM giai đoạn 2016 - 2020. Được biết, mặc dù thời gian qua Ban Chỉ đạo NTM cấp tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, nhắc nhở nhưng đến nay vẫn còn 38/204 xã chưa được UBND cấp huyện phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình giai đoạn 2016 - 2020. Trong khi đó, có huyện vẫn chưa phân cấp cho UBND cấp xã làm chủ đầu tư các công trình hạ tầng theo quy định của Trung ương nên UBND các xã không chủ động trong việc huy động nguồn lực tài chính, vận động nhân dân và tổ chức thực hiện chương trình...
NHÃ PHƯƠNG