Xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở Duy Xuyên: Nông dân góp sức

HOÀI NHI 18/04/2017 08:43

Những ngày qua, người dân thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên) cùng góp công góp của để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung.

Người dân đồng thuận

Nắng như đổ lửa nhưng trên cánh đồng Mỹ Hiến (thôn Xuyên Đông 2, thị trấn Nam Phước), rất nhiều người dân vẫn hăng hái ra quân đắp đường giao thông nội đồng gắn với xây dựng hệ thống kênh tưới. Để tạo thuận lợi cho việc mở rộng và bê tông hóa các tuyến giao thông nội đồng, nhà nông nơi đây đã tự nguyện cắt bỏ những vạt lúa, nhổ phá nhiều loại rau màu sắp đến kỳ thu hoạch. Đưa tay chùi những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt sạm đen, bà Nguyễn Thị Ngọc - một người dân địa phương chia sẻ: “Gia đình tôi có gần 5 sào đất canh tác lúa và hoa màu trên xứ đồng này. Khi chính quyền thị trấn tiến hành xây dựng trục giao thông nội đồng chính, một phần diện tích đất màu của tôi bị ảnh hưởng và tôi liền nhổ bỏ mấy luống rau non, sớm bàn giao mặt bằng để không gây trở ngại cho việc thi công”.

Xây dựng hệ thống kênh mương trên cánh đồng Mỹ Hiến thuộc thôn Xuyên Đông 2. Ảnh: HOÀI NHI
Xây dựng hệ thống kênh mương trên cánh đồng Mỹ Hiến thuộc thôn Xuyên Đông 2. Ảnh: HOÀI NHI

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước cho biết, qua thống kê sơ bộ thì thời gian gần đây người dân trên địa bàn 5 thôn, khối phố gồm Xuyên Đông 1, Xuyên Đông 2, Mỹ Hạt, Đình An, Bình An đã tự nguyện hiến 180 sào đất ruộng và cắt bỏ 12 sào lúa, hoa màu chuẩn bị thu hoạch để phục vụ quá trình thi công hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi nhằm sớm hình thành các mô hình cánh đồng mẫu lớn. Xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, hướng lĩnh vực trồng trọt phát triển theo phương thức hàng hóa tập trung được xem là vấn đề mấu chốt trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Khi chính quyền địa phương có chủ trương thực hiện công việc này với quy mô lớn, địa phương đã gấp rút thành lập ban chỉ đạo, các tổ công tác. Cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các hội đoàn thể của thị trấn Nam Phước đã tổ chức nhiều cuộc họp ở tất cả 5 thôn, khối phố nêu trên nhằm vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và hiệu quả của việc dồn điền đổi thửa, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Mặt khác, mọi ý kiến thắc mắc, đề xuất của nhân dân đều được các cơ quan có trách nhiệm đem ra bàn bạc, thảo luận, đảm bảo tính công khai, dân chủ. Nhờ vậy, đa số người dân đồng thuận cao và sẵn sàng chung tay góp sức với chính quyền...

Đầu tư hạ tầng nông nghiệp

Ông Phạm Đình Xuân – Phó phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, đầu vụ đông xuân năm nay toàn huyện tiếp tục dồn điền đổi thửa thêm 100ha đất lúa, nâng tổng diện tích đã thực hiện khâu này lên gần 2.000ha, tập trung nhiều nhất ở các xã Duy Phước, Duy Vinh, Duy Trung, Duy Tân, Duy Hòa, Duy Trinh và thị trấn Nam Phước. Nhờ vậy, đến nay Duy Xuyên đã hình thành được 36 cánh đồng mẫu, cánh đồng kỹ thuật với diện tích 360ha và thực tế cho thấy năng suất lúa của các mô hình này tăng 15 - 25% so với những nơi khác. Ông Xuân nói: “Việc thực hiện dồn điền đổi thửa đã tác động rất tích cực đến quá trình phát triển nông nghiệp - nông thôn. Trong đó, nổi bật nhất là các đơn vị liên quan cùng nhà nông chủ động liên kết với một số doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh tổ chức sản xuất mỗi vụ hơn 200ha lúa giống hàng hóa theo phương thức bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Qua đó, giá trị kinh tế người dân thu về từ việc liên kết sản xuất ấy tăng 25 - 30% so với trước đây canh tác lúa thương phẩm. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng đối với huyện Duy Xuyên trong việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.

Ông Lương Thanh Bình - cán bộ phụ trách lĩnh vực địa chính & xây dựng UBND thị trấn Nam Phước cho hay, năm 2017 chính quyền và nhân dân thị trấn Nam Phước ra quân dồn điền đổi thửa trên tổng diện tích 120ha (chủ yếu là đất lúa) để xây dựng những mô hình cánh đồng mẫu lớn. Việc thực hiện công tác này được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 triển khai vào thời điểm gần cuối vụ đông xuân năm nay với quy mô 60ha và giai đoạn 2 sẽ tiến hành ngay sau khi kết thúc vụ hè thu 2017 với diện tích 60ha. Ông Lương Thanh Bình cho biết thêm, nếu như trước đây 120ha đất vừa nêu được chia ra thành 3.032 thửa, bình quân mỗi thửa gần 438m2 thì sau khi dồn điền đổi thửa (chỉ tính 110ha vì 10ha còn lại đã phục vụ việc xây dựng hạ tầng sản xuất) sẽ giảm xuống còn 1.464 thửa, mỗi thửa có diện tích bình quân 660m2.

Song song với việc tích cực tham gia dồn điền đổi thửa, nhân dân thị trấn Nam Phước còn chung tay góp sức đào đắp 16 tuyến đường giao thông nội đồng với tổng chiều dài 15,23km, chiều rộng nền đường 3,5 - 17,5m. Đồng thời, kiên cố hóa 21km kênh tưới và mương tiêu. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng tiến hành di dời 80 ngôi mộ trên địa bàn. Tổng kinh phí thực hiện công tác dồn điền đổi thửa và xây dựng hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng để hình thành các mô hình cánh đồng mẫu lớn ước khoảng 10,4 tỷ đồng. Số tiền trên được đầu tư từ nguồn vốn phát triển sự nghiệp nông nghiệp của huyện Duy Xuyên và ngân sách của thị trấn Nam Phước. Ông Bình nói: “Sau khi hoàn tất việc bốc thăm phân lô, chia thửa cho nông dân đưa vào canh tác thì thị trấn Nam Phước sẽ sắp xếp, bố trí một số vùng sản xuất theo phương thức hàng hóa tập trung. Cạnh đó, địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với những ngành liên quan ở huyện tăng cường việc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo ổn định đầu ra cho nông sản. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị cấp trên phân bổ kinh phí để sớm đầu tư bê tông hóa thêm một số tuyến giao thông nội đồng và kênh mương thiết yếu nhằm đảm bảo phục vụ quá trình canh tác”.

HOÀI NHI

HOÀI NHI