Huy động vốn tư doanh nghiệp, hợp tác xã, nhân dân: Nhiều địa phương kêu khó
Những năm qua, việc huy động vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM) từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân ở nhiều địa phương vẫn gặp không ít khó khăn, nhất là tại những xã thuộc khu vực trung du, miền núi…
Ông Nguyễn Trường Sang – Chủ tịch UBND xã Phú Thọ (Quế Sơn) cho biết, năm 2011 khi phát động xây dựng NTM, địa phương không có tiêu chí nào đạt chuẩn. Thế nhưng, qua gần 6 năm tập trung thực hiện, đến cuối tháng 3.2017 Phú Thọ đã hoàn thành 12/19 tiêu chí và phấn đấu cán đích vào năm 2020. Giai đoạn 2011 - 2015 xã đã đầu tư 56 tỷ đồng cho chương trình này, trong đó phần lớn dựa vào nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước các cấp và vốn tín dụng, còn khoản huy động từ các doanh nghiệp, hợp tác xã đóng chân trên địa bàn và sự đóng góp của nhân dân chỉ đạt 4 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,1%.
Năm 2016, tình hình huy động vốn xây dựng NTM ở xã Phú Thọ tuy có chuyển biến nhưng không đáng kể. Cụ thể, năm qua địa phương tiếp tục đầu tư 11 tỷ đồng cho chương trình nhưng nguồn đóng góp của các doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân cũng chỉ đạt 1,5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 14,5%. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra đối với việc huy động kinh phí từ 3 thành phần này là 25%/tổng vốn đầu tư. Ông Sang chia sẻ: “Trên địa bàn Phú Thọ có quá ít doanh nghiệp hoạt động, trong khi mô hình kinh tế hợp tác thì sản xuất kinh doanh không mang lại hiệu quả. Tại 7 thôn của xã có tổng cộng 275ha đất canh tác lúa nhưng do hạ tầng thủy lợi chưa được quan tâm đầu tư đúng mức nên lâu nay chỉ có 129ha chủ động nước tưới, còn lại 146ha dựa vào nước trời và phải thường chịu cảnh bỏ hoang trong vụ hè thu. Vì sản xuất nông nghiệp quá khó khăn nên khả năng đóng góp tiền của vào chương trình xây dựng NTM của người dân rất hạn chế”.
Mới đây, tại hội nghị trực tuyến triển khai những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình xây dựng NTM do UBND tỉnh tổ chức, ông Alăng Mai – Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho rằng, là địa phương miền núi cao nên những năm qua các xã của huyện đều gặp khó trong việc huy động vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân. Vì thế, phần lớn nguồn kinh phí chi cho việc thi công kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng các thiết chế văn hóa cũng như hỗ trợ phát triển sản xuất… chủ yếu phải dựa vào ngân sách và vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác.
Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, giai đoạn 2011 - 2016, bằng nhiều kênh vốn huy động, Quảng Nam đã đầu tư gần 19.275 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM. Trong đó, vốn trực tiếp của chương trình thuộc ngân sách các cấp và vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác xấp xỉ 6.375 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 33,07%; vốn tín dụng hơn 11.557 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 55,96%; vốn huy động các doanh nghiệp và hợp tác xã 316,5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,64%; vốn nhân dân đóng góp quy ra giá trị khoảng 1.026 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,32%. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chiếu theo quy định tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg (ngày 16.8.2016) của Thủ tướng Chính phủ thì việc huy động vốn đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh trong những năm qua chưa đảm bảo cơ cấu. Theo quyết định trên, nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp và hợp tác xã phải chiếm tỷ lệ 15%, còn vốn đóng góp của nhân dân phải chiếm tỷ lệ 10% trong tổng số vốn huy động.
NHÃ PHƯƠNG