Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới
Những năm qua, các cấp hội phụ nữ ở Duy Xuyên nỗ lực triển khai thực hiện nhiều phong trào, mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống cho hội viên và làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Tích cực giúp nhau thoát nghèo
Chồng bị tai nạn giao thông không thể làm việc nặng, con còn nhỏ lại thường ốm đau khiến cuộc sống gia đình chị Nguyễn Thị Phương ở thôn Mỹ Sơn (xã Duy Phú) rơi vào túng quẫn. Thấu hiểu hoàn cảnh của chị, đầu năm 2015 Hội LHPN xã Duy Phú đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Duy Xuyên cho chị Phương vay 8 triệu đồng và chi hội phụ nữ thôn Mỹ Sơn cho mượn thêm 4 triệu đồng không tính lãi từ nguồn quỹ của hội để chị đầu tư nuôi bò nái sinh sản, heo thịt. Chỉ sau 2 năm, gia đình chị thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Được giúp vốn và hỗ trợ kỹ thuật, nhiều chị em phụ nữ khác ở Duy Phú cũng mạnh dạn xây dựng các mô hình sản xuất nhằm nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống.
Phụ nữ xã Duy Hòa tích cực tham gia bê tông hóa giao thông nông thôn. Ảnh: HOÀI NHI |
Bà Trần Thị Dương - Chủ tịch Hội LHPN xã Duy Phú cho hay, 5 năm qua hội đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hàng nghìn lượt phụ nữ và giới thiệu 125 lao động nữ vào làm việc ở các công ty, xí nghiệp. Bên cạnh đó, hội tiếp nhận hơn 6,5 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và gần 2 tỷ đồng của dự án phát triển kinh tế - xã hội có lồng ghép giới cho 437 hội viên phụ nữ vay phát triển kinh tế hộ. Ngoài ra, hội cũng vận động cán bộ, hội viên đóng góp ngày công lao động và kinh phí để trao sinh kế giúp 36 phụ nữ nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 9% vào cuối năm 2016.
Bà Lâm Thị Vỹ - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Duy Xuyên cho rằng, công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hội. Hàng năm, các cơ sở hội tiến hành rà soát hộ phụ nữ nghèo, phân loại nguyên nhân và đề ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp. Trong đó, chú trọng việc duy trì và phát huy hiệu quả của mô hình “Mỗi chi hội giúp 1 - 2 hộ phụ nữ thoát nghèo trong năm” ở tất cả 14 chi hội, “Tổ phụ nữ liên kết trong sản xuất”, “Phụ nữ quấn chổi”, “Phụ nữ làm thảm lau chân”... Theo bà Vỹ, 5 năm qua, bên cạnh việc phối hợp mở 111 lớp đào tạo nghề, hội còn vận động 25.000 hội viên tham gia các mô hình tiết kiệm với số tiền thu được 22 tỷ đồng, qua đó giúp cho 1.500 lượt phụ nữ mượn hoặc vay với lãi suất thấp để có điều kiện phát triển sản xuất - kinh doanh. Đồng thời trao học bổng cho học sinh nghèo, hỗ trợ sinh kế và kinh phí xây mới, sửa chữa 42 ngôi nhà cho phụ nữ nghèo với tổng trị giá 10 tỷ đồng.
Chung tay xây dựng nông thôn mới
Bà Huỳnh Thị Thắm - Chủ tịch Hội LHPN xã Duy Phước cho hay, môi trường là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Để góp phần thực hiện hoàn thành tiêu chí đó, năm 2012, hội triển khai mô hình “Tổ phụ nữ tự quản bảo vệ môi trường” ở tổ 6A thuộc thôn Hòa Bình, sau đó nhân rộng ra tất cả 8 khu dân cư. Đồng thời đúc 120 hố bi đựng rác thải trên đồng ruộng, chấm dứt tình trạng bao bì, chai lọ đựng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật vứt tràn lan như trước đây. Đặc biệt, hội còn xây dựng 4 tuyến đường “Phụ nữ tự quản xanh - sạch - đẹp” và vận động chị em thay phiên nhau dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng cây xanh, trồng hoa. Còn tại xã Duy Sơn, hội phụ nữ tổ chức xây dựng các câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, “Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Tổ phụ nữ không có con hư hỏng và mắc tệ nạn xã hội” hay mô hình “Địa chỉ tin cậy” và nhất là mô hình “1+5” - tức là một người vi phạm, 5 ngành và đoàn thể cùng tham gia quản lý, giáo dục. Nhờ thế, hội đã giúp đỡ 28 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, trong đó có nhiều chị được hỗ trợ vốn, trao tặng sinh kế để phát triển kinh tế hộ như chị Nguyễn Thị T., Võ Thị B.N., Nguyễn Thị H… Bà Huỳnh Thị Thu Ái - Chủ tịch Hội LHPN xã Duy Sơn chia sẻ: “Nhờ những cách làm đó, hội đã tạo sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực an ninh trật tự, góp phần xây dựng môi trường xã hội lành mạnh và giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn NTM”.
Mỗi cơ sở hội phụ nữ trên địa bàn Duy Xuyên có những cách làm đa dạng nhằm chung tay xây dựng thành công mô hình NTM. Bà Lâm Thị Vỹ cho hay, thời gian qua hội đã vận dụng linh hoạt việc tổ chức thực hiện các nội dung trong chương trình xây dựng NTM gắn với triển khai những nhiệm vụ thường xuyên của hội, nổi bật là cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” - tức là không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng, bỏ học và sạch nhà, sạch bếp, sạch đường. Thực tế cho thấy, các tiêu chí trong cuộc vận động này rất gần gũi với đời sống hội viên nên đã tạo được sức lan tỏa rộng khắp. Đến nay, toàn huyện có ít nhất 50 đoạn đường phụ nữ tự quản bảo vệ môi trường cùng nhiều mô hình khác như “Tổ phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông”, “Tổ phụ nữ tự quản thu gom rác thải”. Ngoài ra, hội cũng khuyến khích chị em phụ nữ phát triển sản xuất - kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, hội phụ nữ các cấp còn chủ công trong việc vận động hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Theo thống kê sơ bộ, 6 năm qua hội viên phụ nữ toàn huyện tự nguyện hiến 40.000m2 đất, đóng góp hàng nghìn ngày công lao động làm đường liên xã, liên thôn, liên xóm và kiên cố hóa hàng loạt tuyến kênh mương cùng nhiều công trình phục vụ sản xuất, đời sống văn hóa… góp phần tạo ra diện mạo NTM. Bà Vỹ chia sẻ: “Những kết quả đạt được cho thấy phong trào phụ nữ tham gia xây dựng NTM đã và đang lan tỏa sâu rộng, từng bước phát huy nội lực của cộng đồng trong việc thực hiện mô hình này”.
HOÀI NHI