Nét mới ở Ta Bhing
Ta Bhing được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Nam Giang, hiện đạt 15/19 tiêu chí và dự kiến cán đích vào năm 2019. Điều đáng chú ý là bài toán cải thiện kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân bản địa ở xã nghèo đã tìm được lời giải hợp lý, hiệu quả…
Cải thiện thu nhập
Xã Ta Bhing là một trong những xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Nam Giang; dân số phần lớn là người Cơ Tu sinh sống rải rác; đời sống của bà con chủ yếu dựa vào nông - lâm nghiệp nhưng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã xuống cấp, đặc biệt là hệ thống giao thông nội vùng… Đi lên từ xuất phát điểm quá thấp nên công cuộc xây dựng NTM của xã gặp không ít khó khăn, rào cản.
Nhà trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm Zara phục vụ du lịch. Ảnh: H.Liên |
Từ sự hỗ trợ, đối ứng vốn mạnh từ tỉnh, huyện cùng với sự quyết tâm mạnh mẽ của Đảng ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trong việc chung sức xây dựng NTM, đến thời điểm này, địa phương này đã đạt được một số thành quả đáng ghi nhận. Theo báo cáo của UBND xã Ta Bhing, thời điểm này, Ta Bhing đã đạt 15/19 tiêu chí NTM, chỉ các tiêu chí còn nợ gồm: giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, hộ nghèo, thu nhập và hình thức tổ chức sản xuất. Giai đoạn 2011 - 2015, Ta Bhing hoàn thành tiêu chí giao thông, điện, thủy lợi trên 75% theo quy định của Chính phủ và năm 2016 tiếp tục nâng số lượng và chất lượng tiêu chí này. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm đáng kể, cụ thể như năm 2014 còn 58%, năm 2015 giảm còn 54%, năm 2016 tiếp tục giảm còn khoảng 50%. Với tiêu chí thu nhập, do sản xuất chủ yếu dựa vào nương rẫy, manh mún, tự cung tự cấp, năm 2015, thu nhập bình quân đầu người toàn xã là 8,5 triệu đồng/năm. Năm 2019, mục tiêu xã này hướng tới là nâng mức thu nhập của người dân lên 15 triệu đồng/người/năm.
Ông Zơ Râm Thực - Chủ tịch UBND xã Ta Bhing cho biết, việc hoàn thành tiêu chí thu nhập, tiêu chí hộ nghèo và hai tiêu chí còn lại thực sự rất khó khăn. Song, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, phục vụ đời sống dân sinh, có ý nghĩa thiết thực trong việc thay đổi diện mạo nông thôn nên toàn Đảng, chính quyền chung tay hưởng ứng, ra sức vận động nhân dân vào cuộc bằng nhiều hình thức phong phú. Mục đích là giúp cho nhân dân hiểu được ý nghĩa, nội dung, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM; thay đổi nhận thức phải vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại. Từ nguồn vốn hỗ trợ của huyện, tỉnh, chương trình 135 và các nguồn khác, địa phương đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ rừng tạp sang trồng keo, trồng cây lòn bon dưới tán rừng, nhân rộng các mô hình chăn nuôi heo đen bản địa, gà ta thả vườn để giúp người dân cải thiện kinh tế. Người dân trên địa bàn được hỗ trợ sinh kế từ rừng, được giao dịch vụ môi trường rừng. Từ sự hỗ trợ của Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế Nhật Bản (FIDR), người dân trên địa bàn, đặc biệt là làng thổ cẩm Zara có điều kiện cải thiện đời sống từ việc hồi sinh nghề dệt thổ cẩm, tạo sản phẩm du lịch và tham gia hướng dẫn viên du lịch… Cuối năm 2016, từ sự hỗ trợ từ Tổ chức JICA, người dân tại một số nơi của xã Tà Bhing còn được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi gà ta theo hướng sinh thái và được hỗ trợ về đầu ra sản phẩm, giúp cải thiện đời sống.
Động lực từ du lịch
Cả thôn Zara có 81 hộ với hàng trăm nhân khẩu, năm 2001, từ sự giúp đỡ của Tổ chức FIDR, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Cơ Tu tại địa phương được khôi phục và phát triển. Hợp tác xã làng nghề dệt thổ cẩm Zara được thành lập, đi vào hoạt động đã 3 năm nay, thu hút hơn 30 chị em phụ nữ tham gia cũng từ sự hỗ trợ của tổ chức này. Nhà sàn, nơi tham gia tạo sản phẩm tập trung và nhà trưng bày sản phẩm du lịch dệt thổ cẩm được hỗ trợ xây dựng, phục vụ bày bán, giới thiệu sản phẩm đến khách du lịch. Năm 2016, làng dệt tạo ra 550 sản phẩm, bán ra 420 sản phẩm, doanh thu 150 triệu đồng. Tuy doanh thu và mức thu nhập từ sản phẩm làng nghề chưa tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống người dân làng nghề, chưa đủ sức níu giữ du khách, song khát vọng vươn mình từ con đường phát triển du lịch ở Ta Bhing đã có hướng mở.
Theo Chủ tịch UBND xã Ta Bhing - ông Zơ Râm Thực, trong công cuộc xây dựng NTM, bên cạnh hỗ trợ sinh kế như đã nói trên, xã ưu tiên hàng đầu cho việc phát triển du lịch cộng đồng. Ngoài làng dệt thổ cẩm Zara, cụm thác Grăng cũng được chú trọng xây dựng trở thành điểm du lịch sinh thái cộng đồng. Hiện, điểm đến này vẫn còn khá hoang sơ cần phải được đầu tư nâng cấp, kết nối tour, tuyến để nơi đây trở thành điểm dừng chân lý tưởng. Tiếp tục tận dụng sự hỗ trợ từ dự án JICA - dự án dựa vào sự chủ động của người dân trong phát triển du lịch và phát triển kinh tế, địa phương hướng tới đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng vùng miền. Việc tạo sự đa dạng về mẫu mã của sản phẩm dệt, hỗ trợ trưng bày trên thị trường cần được chú trọng hơn nữa. Tiếp tục đổi mới, nâng hiệu quả của hai hợp tác xã du lịch và làng nghề dệt thổ cẩm Zara vì mục tiêu phát triển du lịch.
Tin vui là chủ trương nâng cấp Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh trở thành vườn quốc gia được tỉnh đề xuất. Cùng với khu bảo tồn, điểm du lịch thác Grăng, làng thổ cẩm Zara, những giá trị văn hóa, việc tái hiện đường Trường Sơn huyền thoại (do Sở VH-TT&DL đảm nhận) triển khai từ năm 2017 trở đi được xem là điểm nhấn trong phát triển du lịch sinh thái cộng đồng của Nam Giang. Cơ hội cũng mở ra cho Ta Bhing rất lớn trong việc kết nối, tạo điểm dừng chân, tạo sản phẩm du lịch cộng đồng với dệt thổ cẩm, múa tâng tung da dá, khai thác lợi thế từ thiên nhiên hoang sơ, tạo các món ẩm thực tại chỗ cũng như các dịch vụ lưu trú để đón khách…
TRIÊU NHAN - MINH PHƯỜNG