Xã "9 không" về đích nông thôn mới
Từ chỗ không có điện, đường, trường, trạm…, trung tâm hành chính cũng không, qua gần 10 năm nỗ lực xây dựng, xã Bình Định Nam (Thăng Bình) đã về đích nông thôn mới.
Cánh đồng thôn Châu Xuân Tây, xã Bình Định Nam, nông dân chuyển đổi trồng cây đậu phụng và bắp với mô hình tưới nước tiết kiệm. Ảnh: K.N |
Quyết tâm vượt khó
Xã Bình Định Nam có 1.266 hộ dân với 4.815 nhân khẩu; gồm 6 thôn: Điện An, Hưng Lộc, Đồng Đức, Thanh Sơn, Châu Xuân Đông và Châu Xuân Tây; tổng diện tích đất sản xuất hơn 1.271ha. Với nỗ lực của toàn đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương trong xây dựng, phát triển, từ năm 2010 đến nay, Bình Định Nam đã đầu tư tổng số tiền 28,664 tỷ đồng cho công cuộc xây dựng nông thôn mới. Qua đó hoàn thành cứng hóa 14,8km giao thông trục xã và liên xã (đạt 100%); không còn đường đất lầy lội vào mùa mưa… Năm 2016, bình quân thu nhập đầu người của xã đạt hơn 27 triệu đồng (tăng gần 14 triệu đồng so với năm 2010)... Ngày 26.12.2016, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận xã Bình Định Nam đạt chuẩn nông thôn mới. |
Từ quốc lộ 14E, con đường dài chừng 5km dẫn về trung tâm xã Bình Định Nam đã được thảm nhựa. Hai bên đường, thấp thoáng trong hàng cây xanh là những ngôi nhà khang trang kiên cố… Cách đây gần 10 năm, thời điểm tách ra từ xã Bình Định (ngày 28.4.2007), người dân Bình Định Nam gọi địa phương mình là “xã 9 không”, vì không có lưới điện, trường học, trạm y tế, đường sá chưa được cứng hóa. Là đơn vị hành chính cấp xã nhưng chưa có chợ, bưu điện, trạm truyền thanh, hệ thống nước sạch sinh hoạt cũng không, ngay cả trung tâm hành chính cũng chỉ có vài ba trụ sở làm việc đã xuống cấp. Ông Nguyễn Văn Việt - Bí thư Đảng ủy xã Bình Định Nam chia sẻ, khi chia tách xã, địa phương đối diện với vô vàn khó khăn, nhìn đâu cũng thiếu thốn, vậy mà nay đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thành tích này có thể nói là vượt ngoài dự đoán, dấu mốc đáng nhớ chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập xã.
Ông Việt kể, mười năm trước, ngay cả trục đường chính từ trung tâm xã Bình Định Nam ra đến quốc lộ 14E cũng rất khó đi, nhất là vào mùa mưa. Hệ thống giao thông ở các thôn xóm càng trắc trở với những con đường đất mù mịt bụi mùa nắng, lầy lội mùa mưa. Hồi đó, gia đình nào có người thân ốm đau mà gặp lúc mưa gió là cả thôn í ới nhau, người cầm đuốc, người khiêng võng đưa ra quốc lộ 14E đến Trạm Y tế của xã Bình Định Bắc nhờ can thiệp, nặng hơn thì khiêng lên bệnh viện huyện. Lưới điện chưa được kéo về, nước sinh hoạt thiếu thốn, người dân phải lên các hồ Đông Tiển (xã Bình Trị), Phước Hà (Bình Phú) gánh nước về dùng. Ngành kinh tế chủ lực là trồng trọt gặp vô vàn khó khăn khi lúc đó nguồn nước tưới từ hồ Đông Tiển chưa được dẫn về như bây giờ… “Thời điểm đó, chúng tôi mong trời mưa để có nước tưới, nước sinh hoạt nhưng lại lo lắng những con đường thêm lầy lội. Đến năm 2010, cả xã chỉ có 50% số hộ đủ khả năng kéo điện về sinh hoạt. Mà lúc đó, trụ điện chỉ toàn bằng tre rồi điện yếu lúc có, lúc không, nấu nồi cơm điện cũng lo toan túc trực cả buổi, khó không chi bằng” - ông Việt hồi tưởng.
Chung tay bê tông hóa giao thông nội đồng. Ảnh: MINH TÂN |
Trước những khó khăn đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Bình Định Nam nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra quyết tâm bằng mọi giá phải khắc phục điểm yếu, khai thông lợi thế, tạo đà phát triển cho quê hương. Giải pháp đầu tiên là xây dựng kiên cố con đường huyết mạch dẫn từ trung tâm xã ra quốc lộ 14E, sau đó từng bước kiện toàn giao thông tuyến liên thôn, liên xã, tạo thuận lợi cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa, sản xuất của người dân. Bằng tất cả nguồn lực tranh thủ được từ ngân sách nhà nước cho đến đóng góp của xã hội, của những người con xa quê, Bình Định Nam đầu tư 14 tỷ đồng bê tông hóa trục đường huyết mạch. Lúc triển khai, người dân hoan hỷ ủng hộ, không nề hà chuyện bồi thường mà còn tự nguyện đóng góp đất đai, vật kiến trúc, góp sức làm đường. “Lúc bấy giờ cơ quan hành chính của xã vẫn tạm bợ đóng ở phân hiệu Trường Tiểu học Trần Cao Vân được phân bổ cho xã Bình Định Bắc. Nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm phải ưu tiên lo trước cho trục giao thông chính. Và chính việc đi lại thuận lợi là nền tảng cơ bản nhất để Bình Định Nam từng bước khắc phục khó khăn, đến nay đạt chuẩn nông thôn mới” - ông Việt nói.
Đi lên bằng nội lực
Từ quyết tâm của Đảng bộ xã Bình Định Nam đến đạt chuẩn nông thôn mới, nói thì có thể gói gọn trong một câu, nhưng chặng đường này phải qua bao khó khăn mới về đến đích. Khởi đầu từ trục giao thông chính, dần dần các yếu tố hạ tầng thiết yếu được địa phương từng bước đầu tư đã tiếp sức cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả ấn tượng nhất là tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 30% (năm 2007) đến nay giảm xuống còn 3,14%. Chỉ từ con số này thôi đã có thể hình dung ra những đổi thay to lớn của Bình Định Nam trên các lĩnh vực. Nói về thành quả đạt được, ông Việt nhìn nhận chính là từ nội lực của người dân, họ đã trải qua bao nhiêu cơ cực nên khi lối đi được mở họ càng quyết tâm phát triển kinh tế, xây dựng làng quê.
Ông Trần Ngọc Sơn thành công với mô hình trồng tiêu. Ảnh: Q.VIỆT |
Ghi nhận những điển hình, chúng tôi tìm đến gia đình ông Trần Ngọc Sơn (tổ 5, thôn Hưng Lộc), một trong những điển hình làm kinh tế ở Bình Định Nam. Ngoài 5 sào đất trồng tiêu, ông Sơn còn đào nhiều ao thả cá, chăn nuôi thêm heo, gà, vịt. Ông Sơn bảo, thổ nhưỡng thì không thay đổi được, cho nên chính ông phải thay đổi cách làm kinh tế để phù hợp với điều kiện đất đai của địa phương. Vùng nào cũng có tiềm năng phát triển riêng nếu khơi dậy đúng thế mạnh… Nghe ông Sơn trò chuyện, chúng tôi nhận ra tư duy sản xuất của người nông dân bây giờ đã bứt khá xa cung cách làm ăn cũ, họ đã là “chuyên gia” trên đồng đất của mình. Ông Sơn cho hay, trước đây từng trồng cây keo lá tràm nhưng không hiệu quả, nên dành cả năm trời lên các tỉnh Tây Nguyên tìm hiểu mô hình trồng tiêu. Trở về quê, ông vận dụng mô hình trồng tiêu vào thực tế địa hình gò đồi ở địa phương để phát triển kinh tế. Ông Sơn tính nhanh, một năm mỗi trụ tiêu cho thu hoạch 3 - 5kg tiêu khô. Mỗi ký tiêu (giống tiêu Tiên Phước) có đầu ra ổn định 400 nghìn đồng, với 200 trụ tiêu cho thu hoạch từ 2 năm nay, gia đình lãi khoảng 200 triệu đồng/năm. Thấy hiệu quả kinh tế lớn, ông Sơn đã trồng thêm 400 trụ tiêu, sẽ cho thu hoạch lần đầu trong năm 2017. Mô hình trồng tiêu của ông Sơn cũng đã được nhiều nông dân trên địa bàn Thăng Bình đến tham quan học hỏi, nhân rộng.
Gia đình ông Nguyễn Qua - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Châu Xuân Tây cũng được biết đến là tấm gương lao động giỏi. Gia đình ông Qua nuôi 15 con bò, trong đó có 6 bò nái. Ngoài bán bò thịt, số bê con sinh ra hàng năm ông vừa dành để tái đàn vừa bán tạo nguồn thu. Ông Qua còn đầu tư mua 2 máy cày phục vụ sản xuất cho nông dân trên địa bàn xã. Cùng với chồng, vợ ông Qua cũng chung tay làm kinh tế bằng mô hình nuôi heo nái. Nhờ giống heo tốt, chăm sóc đúng kỹ thuật, chỉ riêng nguồn thu từ bán heo sữa, mỗi năm gia đình ông Qua lãi cả 100 triệu đồng.
Kinh tế phát triển, không chỉ ổn định đời sống gia đình, người dân còn sẵn sàng chung tay đóng góp xây dựng quê hương. Ông Nguyễn Công Danh - Chủ tịch UBND xã Bình Định Nam nói, nhờ cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo, mỗi nông dân trên địa bàn đã từng bước xây dựng mô hình kinh tế phù hợp, từ đó nâng cao đời sống, đồng nghĩa với diện mạo địa phương thay đổi theo. Trải qua 2 đợt mưa lũ vào cuối năm 2016, những ngày này nông dân Bình Định Nam đang bắt tay vào khôi phục sản xuất. Trên các đồng đất, những mầm sống đã nhú lên bất chấp tiết trời vẫn còn giá rét, mưa phùn.
NGUYỄN QUANG VIỆT