Trăn trở với nông thôn mới
Câu chuyện báo chí nêu về ông Bùi Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Tam An (Phú Ninh) nộp đơn xin thôi chức vì lo xã không trả được nợ trong xây dựng Nông thôn mới (NTM) gợi lên nhiều mối quan tâm. Đáng lo hơn, không chỉ gánh nặng nợ nần mà còn nhiều điều trăn trở ở một số địa phương.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) như một cuộc “đại cách mạng” làm chuyển biến mạnh mẽ vùng nông thôn. Đường làng ngõ xóm đã phong quang và nông dân đã có thể làm giàu trên mảnh đất của mình nếu biết tận dụng lợi thế vốn có. Nhưng nhìn lại vẫn có nhiều vấn đề đáng bàn…
Xây dựng NTM cần chú trọng đến việc bảo tồn những nét văn hóa làng quê và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. TRONG ẢNH: Lễ hội cầu ngư của người dân vùng bãi ngang ven biển. Ảnh: M.Đ |
Căn bệnh thành tích vẫn tồn tại trong xã hội xưa nay. Vì vậy, thời gian gần đây khi mà nhiều huyện, xã trên toàn quốc cán đích NTM thì các cấp mới… lộ ra rằng vì chạy theo thành tích mà nhiều địa phương nợ đọng quá nhiều, và kéo theo đó là sự huy động sức dân quá mức đã làm cạn kiệt nguồn đóng góp của người dân. Điển hình như câu chuyện của xã Tam An (Phú Ninh) mà báo chí phản ánh. Theo ông Bùi Văn Toàn, xã Tam An bắt đầu triển khai xây dựng NTM vào năm 2010 và chính thức được công nhận xã NTM năm 2014, vượt kế hoạch 1 năm. Do “mong muốn” đạt được các tiêu chí nên ở một số thời điểm, dù ngân sách xã không có tiền nhưng vẫn tiến hành xây dựng các công trình dựa trên kinh phí phân bổ từ tỉnh, huyện. Vì vậy mà sau khi cán đích xã NTM, Tam An đã nợ các doanh nghiệp xây dựng hơn 5 tỷ đồng.
Tại Hội thảo khoa học - thực tiễn “Phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng NTM thời kỳ hội nhập” mới đây, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ thông tin rằng, đầu tư mỗi xã NTM ở đồng bằng là 70 - 80 tỷ đồng, trung du là 120 - 140 tỷ đồng, miền núi là 200 tỷ đồng, ước tính 10.000 xã là 1 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Ngọ cũng bày tỏ trăn trở: “Đất nước “hò hét” công nghiệp hóa nhưng máy cắt cỏ, máy thái chuối, xay đỗ… toàn sáng kiến của nông dân cả. Vậy chúng ta công nghiệp hóa nông nghiệp thế nào? Chúng ta đã làm gì cho nông nghiệp? Phải có sự hỗ trợ của Nhà nước để đem lại quyền lợi bình đẳng cho người dân trong công nghiệp hóa. Thu nhập, chất lượng sống và vị thế chính trị của nông dân phải được nâng lên”. (Nguồn: Tổng hợp từ báo chí) |
Nợ nần chắc rồi cũng có cơ chế giải quyết. Điều đáng nghĩ hơn là một số địa phương tồn tại những bất cập trong xây dựng công trình công cộng có thể gây lãng phí tiền của. Không khó để tìm ra những ngôi chợ bề thế được xây cất để… cột trâu bò vì không có người mua bán, do chọn sai địa điểm, thiết kế không đúng công năng và “quên” tìm hiểu tập quán mua bán của người dân. Bê tông hóa kênh mương là chủ trương đúng đắn trong xu hướng phải bảo vệ tài nguyên nước khi biến đổi khí hậu hoành hành. Đâu xa, ngay ở huyện Phú Ninh bà con rất hồ hởi khi Nhà nước đầu tư cả chục tỷ đồng để bê tông hóa kênh mương. Từ đây cái khâu “nhất nước” đã thuận lợi hơn. Tuy nhiên bà con cũng phàn nàn rằng, “các ông” xây dựng kiểu chi mà một số con kênh, muốn xuống gánh nước hay đặt máy bơm cũng quá gập ghềnh; nguy hiểm hơn, nhà nào có con nít thì phải giữ khư khư, không dám chểnh mảng vì sợ đuối nước. Tìm hiểu thì được biết do ta-luy kênh quá cao, lại không thiết kế tam cấp và đường lên xuống hợp lý, cống hộp thì lại không có nắp đậy rất nguy hiểm.
Chưa có thống kê chi tiết khi những tuyến đường bê tông phong quang được hoàn thành thì tình trạng tai nạn giao thông nông thôn tăng bao nhiêu phần trăm, chứ từng chứng kiến những vụ “sứt đầu mẻ trán”, thậm chí tử vong, tôi đồ rằng nỗi ám ảnh với người dân nông thôn mỗi khi tham gia giao thông là hiện hữu. Rồi những thùng rác công cộng được phân phát về các địa phương, ban đầu làm thay đổi diện mạo theo hướng văn minh hiện đại nhưng được một thời gian thì người dân theo thói quen cũ vứt tất cả loại rác vào đấy đến tràn ra, và tình trạng ô nhiễm môi trường phát sinh khi rác không được thu gom thường xuyên. Một thực trạng phổ biến khác là khi thực hiện chương trình, các cấp ủy, chính quyền quá chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng mà ít chú trọng đến xây dựng văn hóa nông thôn. Văn hóa làng nhiều nơi bị mai một sẽ là yếu tố gây nguy cơ cao trong phát triển bền vững. Nông thôn bây giờ nhiều chỗ “cổng kín tường cao”; giỗ chạp muốn biếu hàng xóm đĩa gà cái bánh e rằng cũng… ngại. Tình trạng nhậu nhẹt tối ngày, cờ bạc, hụi đề không phải hiếm…
TẤN ĐƯỜNG