Xây dựng nông thôn mới: Còn nhiều lực cản

TRẦN HỮU 15/12/2016 10:02

Nhiều địa phương trong tỉnh đã tạo ra cuộc chuyển biến ngoạn mục khi xây dựng nông thôn mới (NTM), song vẫn còn không ít lực cản trong thay đổi phương thức sản xuất, cải thiện thu nhập cho người dân.

Xây dựng nông thôn mới đang gặp khó khăn bởi nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông.Ảnh: TRẦN HỮU
Xây dựng nông thôn mới đang gặp khó khăn bởi nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông.Ảnh: TRẦN HỮU

Thiếu sự đồng hành

Nằm ở ngoại ô TP.Tam Kỳ, mấy năm nay xã Tam Phú chật vật đạt chuẩn một số tiêu chí NTM theo lộ trình hàng năm. Chính quyền lúng túng chưa tìm ra nguồn vốn để đầu tư hạng mục thủy lợi, giao thông, cơ sở vật chất nhà văn hóa, chợ. Nền tảng kinh tế thấp, tỷ lệ hộ nghèo khá cao, trong khi những năm qua các dự án trọng điểm hầu hết tập trung ở vùng lân cận (xã Tam Thăng). Trong khi số doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn ít ỏi, người dân lại chậm thay đổi phương thức sản xuất. Riêng tiêu chí thu nhập của Tam Phú, mỗi năm chỉ đạt hơn 18 triệu đồng/người, trong khi chuẩn NTM phải đạt ít nhất 23 triệu đồng/người. Lý giải khó khăn trong xây dựng NTM, chính quyền nhìn nhận rằng cơ sở hạ tầng ở lĩnh vực giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng... còn yếu kém dẫn đến chậm dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn. Thêm việc vốn trung ương và địa phương phân bổ về nhỏ giọt không thể kích cầu sản xuất.

Tính đến nay, tỷ lệ bình quân số tiêu chí xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh gần 12 tiêu chí/xã, thấp hơn mặt bằng chung của cả nước (13,11 tiêu chí/xã). Ở khu vực miền núi, các huyện Nam Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang chưa địa phương nào có xã đạt chuẩn NTM. Theo đánh giá của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, các tiêu chí về phát triển sản xuất, nhà ở, thu nhập chuyển biến chậm, chất lượng chưa cao và khó có khả năng duy trì bền vững.

Ở một xã đồng bằng nằm sát đô thị Tam Kỳ như Tam Phú mà xoay xở các tiêu chí NTM còn trầy trật huống hồ gì ở các xã miền núi. Xét ở nguồn lực đầu tư, quả thật vốn cho xây dựng NTM còn rất thấp so với tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Minh chứng là giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh khoảng 64.000 tỷ đồng, trong khi đó mức đầu tư cho NTM chỉ có 16.918 tỷ đồng (bằng 26,4% tổng vốn đầu tư toàn xã hội). Theo phê duyệt của trung ương, trong đầu tư xây dựng NTM sẽ sử dụng 40% vốn huy động từ ngân sách nhà nước (17% trực tiếp từ chương trình NTM, 23% từ lồng ghép các chương trình, dự án khác); 30% từ tín dụng; 20 từ doanh nghiệp, mô hình hợp tác xã và 10% từ cộng đồng dân cư. Nhiều năm qua, tỉnh đã ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp lên miền núi, hay về vùng nông thôn đầu tư nhưng xem ra doanh nghiệp vẫn thờ ơ với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nói: “Số doanh nghiệp lên núi làm ăn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chúng ta vẫn chưa có đề án, dự án cụ thể và mạnh mẽ để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đồng hành với người dân trong giảm nghèo bền vững”.

Bất ổn từ cơ sở

Tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa IX vừa qua, nhận diện bất cập trong xây dựng NTM, nhiều ý kiến thẳng thẳn chỉ ra rằng, các huyện, xã ưu tiên vào kết cấu hạ tầng, kể cả những công trình, dự án chưa thực sự cần thiết đối với người dân. Ngược lại, ít chú ý với các hình thức tổ chức phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các giải pháp tăng thu nhập của người dân. Lao động và việc làm cho thanh niên luôn là nỗi lo dai dẳng ở khu vực miền núi và nông thôn. Ngay cả khâu tiêu chí đảm bảo môi trường nhiều địa phương cũng loay hoay xử lý. Ở khu vực nông thôn chủ yếu xử lý rác thải sinh hoạt bằng hình thức chôn lấp hoặc đốt. Thực tế, do thiếu nguồn hoạt động nên nhiều xã, hợp tác xã cũng không hợp đồng với Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam trong thu gom rác về nơi xử lý. Vì vậy, rác vứt bừa bãi, có nơi đặt bãi rác cạnh nghĩa trang, gần khu dân cư khiến người dân bức xúc. Các đơn vị thu gom rác thải không đến được một số vùng nông thôn do rơi vào tình trạng “thu không đủ chi”, địa phương nợ tiền phí bảo vệ môi trường.

Đề xuất giảm nghèo bền vững cho miền núi, bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng, mấu chốt của NTM là nâng cao chất lượng đời sống người dân thông qua phương thức sản xuất và thu nhập bền vững. Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, việc đầu tư cũng cần phải cân nhắc, tính toán phù hợp. Cho nên trước mắt ưu tiên hàng đầu cho các công trình hạ tầng phục vụ đời sống sản xuất của người dân. Phân tích về rào cản thực hiện các tiêu chí NTM của các địa phương trong tỉnh còn chậm so với mặt bằng chung cả nước, ngành nông nghiệp cho rằng, đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn do UBND các địa phương phê duyệt vẫn chưa triển khai mạnh mẽ. Việc sử dụng những nguồn vốn phát triển sản xuất từ các chương trình mục tiêu quốc gia và lồng ghép các nguồn vốn hiệu quả tới đâu vẫn là chuyện đáng bàn.

Theo ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh, nhiều địa phương chậm hoàn thành các tiêu chí NTM do còn phải loay hoay thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp. Cái khó ở người dân vẫn là tìm đầu ra cho nông sản, trong khi ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương vẫn chưa có giải pháp căn cơ để thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, kinh tế hợp tác, hợp tác xã chưa cao, tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa rõ nét. “Vấn đề là nhiều nơi vẫn còn thụ động trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước; chậm đổi mới tư duy và thay đổi hình thức sản xuất phù hợp với thực tiễn địa phương” - ông Đức nhận định.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU