Tam Lộc chạm đích nông thôn mới

26/10/2016 08:27

Năm 2015, Tam Lộc là một trong 2 xã cuối cùng của huyện Phú Ninh chưa đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). đến nay Tam Lộc đang chạy những bước cuối để cán đích xã NTM…

Thay đổi nhiều mặt

Tam Lộc ở vùng bán sơn địa, là một xã thuần nông nên khi phát động xây dựng NTM thì xuất phát điểm thấp ở các lĩnh vực. Cụ thể năm 2011, có đến 70% hộ dân nơi đây sống bằng nghề nông nên trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chiếm đến 62%; thương mại dịch vụ ở quy mô nhỏ; thu nhập bình quân đầu người chỉ có 10,38 triệu đồng/năm; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là giao thông thủy lợi, kênh mương nội đồng, cơ sở vật chất trường học, y tế, văn hóa chưa được đầu tư. “Qua đánh giá thực trạng để xây dựng đề án NTM trên địa bàn xã, thời điểm năm 2011 Tam Lộc chưa có tiêu chí nào đạt so với bộ tiêu chí quốc gia. Vậy nên khi phát động trong toàn dân xây dựng NTM, chúng tôi không tránh khỏi lo lắng. Nhưng đến thời điểm này thì hết lo rồi, chúng tôi đang tiến hành các bước để được công nhận đạt chuẩn NTM” - ông Lê Văn Tình, Chủ tịch UBND xã Tam Lộc chia sẻ.

Kinh tế người dân Tam Lộc phát triển một phần dựa vào việc trồng cây nguyên liệu. Ảnh: C.T.A
Kinh tế người dân Tam Lộc phát triển một phần dựa vào việc trồng cây nguyên liệu. Ảnh: C.T.A

Theo báo cáo mới nhất của xã Tam Lộc, đến tháng 9.2016, Tam Lộc đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp lên 54,8%; thu nhập bình quân đầu người cũng đã đạt 27,79 triệu đồng/năm, tăng 17,41 triệu so với năm 2011. Cơ cấu kinh tế thay đổi, thu nhập đầu người tăng, nhờ đó đời sống kinh tế của người dân cũng đã có nhiều đổi thay tích cực. Hơn 7 năm trước, khi lần đầu đặt chân đến xã Tam Lộc, cảm giác đầu tiên của tôi chính là sự nghèo khó; mùa mưa, đường vào các thôn Đại Đồng, Cẩm Long… bùn đất văng tới đầu.

Nhưng nay mọi thứ đã đổi khác. Đường thôn đổ bê tông đến tận ngõ xóm đạt tỷ lệ 100%. Quan trọng nhất là trục đường chính giao thông nội đồng cũng đã được cứng hóa, xe cơ giới đi lại rất thuận tiện. Đến năm 2016 các trục giao thông trong toàn xã đã được cứng hóa 83,9%. “Người dân đi làm ruộng đã có thể chạy xe máy tới tận đồng, mùa thu hoạch càng đỡ vất vả hơn vì máy móc, thiết bị nông cụ đến được tận nơi. Chính sự thuận lợi đó đã góp phần làm cho nhân dân chúng tôi đồng thuận cao khi xã phát động chương trình hay có chủ trương gì cần triển khai” - ông Nguyễn Liên, người dân thôn Tam An, nói. Năm 2016, Tam Lộc đã triển khai xây dựng cầu dân sinh Xuân Kiên và cầu Đội 5 để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân. Như vậy, hệ thống giao thông của Tam Lộc đã cơ bản đạt tiêu chí, đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân - đối tượng thụ hưởng chính trong phong trào NTM.

Người dân đồng thuận

Sự đổi thay bộ mặt kinh tế Tam Lộc như hiện nay nhờ trước hết vào đầu tư thủy lợi và điện. “Với 8 đập dâng và 4 trạm bơm kết hợp cùng hệ thống kênh tưới Phú Ninh đã phát huy hiệu quả cung cấp nước tưới sản xuất (86%), cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh. Đến năm 2015, tỷ lệ kênh mương do xã quản lý đã được kiên cố đạt 58,04%, việc vận hành, điều tiết nước tưới cũng được đảm bảo nên các vụ mùa đều đạt năng suất cao, bà con rất phấn khởi” - anh Lê Mộng Anh Toàn, cán bộ nông nghiệp xã Tam Lộc, nói. Hệ thống “điện, đường, trường, trạm” không chỉ đạt chuẩn để đánh giá tiêu chí NTM mà hơn thế, đã phát huy và phục vụ cuộc sống một cách tốt nhất cho người dân. “Thậm chí, sóng điện thoại cũng được phủ rộng khắp nên chúng tôi không còn cảm giác bị cách biệt với bên ngoài như trước đây. Xây dựng NTM đã rút ngắn khoảng cách trên mọi phương diện cho người dân Tam Lộc như chúng tôi” - ông Trần Hữu Hích, Trưởng thôn Cẩm Long, nói. Về môi trường, người dân đồng thuận đóng góp tiền để xe môi trường lên tận nơi thu gom rác thải. Nhờ đó, dọc tuyến giao thông từ Kỳ Lý lên trung tâm xã Tam Lộc, đường sá sạch trơn, không vương vãi rác bẩn.

Kinh tế phát triển, đặc biệt là kinh tế rừng, đã góp một phần lớn làm bộ mặt nông thôn thay đổi theo hướng tích cực. Toàn xã Tam Lộc có 230ha diện tích rừng cho thu nhập cao, trung bình đạt 100 triệu/ha/năm. Tam Lộc cũng là xã có chăn nuôi phát triển mạnh. Toàn xã hiện có 12 gia trại và 3 trang trại của ông Lê Xuân Long (thôn Cẩm Long), ông Nguyễn Lại (thôn Đại Đồng), ông Nguyễn Sáng (thôn Đại Đồng) cho thu hàng năm lên đến cả tỷ đồng. “Ngoài điện đường trường trạm, các tiêu chí đánh giá để đạt NTM của Tam Lộc như cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện… đến nay đã đạt. Phương thức vận động xây dựng NTM ở xã Tam Lộc đi sát nhu cầu và cuộc sống của người dân. Một khi thấy được lợi ích của cuộc vận động xây dựng NTM, bà con sẽ tự nguyện thực hiện. Bằng chứng là đã có rất nhiều hộ dân hiến đất để làm đường giao thông, xây nhà văn hóa thôn…, làm sáng bừng bộ mặt nông thôn Tam Lộc” - ông Lê Văn Tình nói.

CHIÊU THỤC ANH